Hằng ngày Hà Nội thải ra khoảng 5.000 tấn chất thải từ sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế và sinh hoạt của dân. Công ty môi trường và các lực lượng thu gom, vận chuyển chỉ giải quyết được trên 3.500 tấn, số còn tồn đọng tại các điểm trên 1.000 tấn. Hiện các huyện ngoại thành có lượng rác tồn đọng lớn. Số tồn đọng này tự tiêu tại các hố, bãi, đốt là nguyên nhân gây ô nhiễm nước mặn, nước ngầm. Mặt khác, môi trường sông, hồ đang chịu tác động mạnh của các hoạt động kinh tế - xã hội. Với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, bệnh viện, khu dân cư cũ và mới; nước thải từ các hoạt động đó chưa được xử lý đổ thẳng vào sông hồ làm mức độ ô nhiễm tăng từ 5-7 lần mức độ cho phép. Cộng vào đó, sự ô nhiễm không khí do bụi và các phương tiện giao thông đang làm ảnh hưởng đến môi sinh, sức khoẻ và điều kiện sống của người dân Thủ đô.

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 3/2006 ngày 25-12-2006 về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường và quản lý đất đai giữa Hội CCB Việt Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường, ngày 10-12-2007 Hội CCB TP Hà Nội và Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp về việc hành động bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai. Sau hơn 2 năm triển khai chương trình phối hợp, Hội CCB Hà Nội và Sở TNMT đã triển khai nhiều nội dung về hoạt động môi trường như: Năm 2008 đã tổ chức tập huấn cho 1.500 cán bộ từ chi hội, hội cơ sở 12 quận, huyện các công tác bảo vệ môi trường. Năm 2009 phối hợp với UBND TP tổ chức mít tinh, đi bộ vì môi trường với 400 cán bộ, hội viên tham gia nhân ngày 5-6. Cấp sổ tay công tác bảo vệ môi trường của T.Ư Hội tới cấp cơ sở nhằm: Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật, khoa học kỹ thuật, ý thức chấp hành bảo vệ môi trường. Không vứt, xả rác bừa bãi, phân loại rác và để đúng nơi quy định. Tham gia tổng vệ sinh vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần. Gia đình CCB cơ sở sản xuất doanh nghiệp do CCB làm chủ, làng nghề, quá trình tham gia sản xuất thực hiện các quy định của địa phương về môi trường, các cơ sở chăn nuôi có bể biôga như Phù Đổng, Tàm Xá, Vân Hà, Liên Hà... Xây dựng các điển hình về công tác môi trường như: thu gom xử lý rác ở Đồng Quang (Quốc Oai), Tiềân Phong (Mê Linh), tham gia đóng góp vào các hội nghị môi trường các cấp, hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp về môi trường Hà Nội.

Những việc làm thiết thực của hội viên các cấp Hội CCB TP đã góp phần làm xanh, sạch, đẹp Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng như làm trong sạch thêm môi trường đất nước.

NGUYỄN KIM BẢNG (Hội CCB TP Hà Nội)