Tham vọng thống nhất Hồi giáo thế giới
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng có nguồn gốc trực tiếp từ cuộc chiến tranh xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003. Cố Tổng thống Iraq-Saddam Hussein (là người Hồi giáo dòng Sunni) bị lật đổ, người Sunni mất quyền lực và họ nổi dậy chống sự hiện diện quân sự của Mỹ. Tháng 10-2004, một lãnh đạo phe nổi dậy là al-Zaqawi (người gốc Jordan, đã thề trung thành với al-Qaeda) thành lập tổ chức Thánh chiến Hồi giáo miền Lưỡng Hà-thường gọi là al-Qaeda ở Iraq (AQI). Tháng 10-2006, sau khi chấn chỉnh lại cơ cấu và sáp nhập thêm các nhóm kháng chiến khác, tổ chức này tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI), với tuyên ngôn là giải phóng người Hồi giáo Sunni Iraq khỏi “sự áp bức của Hồi giáo Shiite và ngoại bang”, đồng thời tách khỏi al-Qaeda. Ngày 29-6-2014, với thủ lĩnh mới al-Baghdadi, ISI đổi tên thành IS (Nhà nước Hồi giáo), đặt “thủ đô” ở Raqqah (Syria).
Mục tiêu tối hậu của IS là thống nhất thế giới Hồi giáo dòng Sunni với trung tâm là Nhà nước Hồi giáo toàn Trung Đông. Những nhà nước thế tục khác tại Trung Đông bị coi là đi ngược lại các nguyên tắc thuần khiết của đạo Hồi; người Hồi giáo dòng Shiite bị coi là phản đạo nếu không cải sang dòng Sunni. IS có nhiều đồng minh (như nhóm Boko Haram ở Nigeria) nhưng cũng không thiếu kẻ thù từ “cấp” nhà nước như Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran đến hàng chục nhóm khủng bố Hồi giáo khác. Đây chính là mầm mống bất ổn triền miên ở Trung Đông, Bắc Phi, rồi tác động, lan truyền đến khắp nơi trên thế giới. IS cũng là tổ chức Thánh chiến giàu nhất thế giới - lúc “cực thịnh”, tài sản của nó lên tới 2 tỷ USD.

Giỏi thích ứng
IS đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền qua mạng thông tin điện tử, mạng xã hội và rất thành công trong công việc này. Nhờ đó, kết hợp với hăm dọa, IS có thể thu hút nguồn lực vô tận từ các phần tử cực đoan bất mãn, chiêu mộ được hàng trăm ngàn binh sĩ là những thanh niên gốc Trung Đông sinh ra và lớn lên ở châu Âu tự nguyện đến tham gia chiến đấu tại Iraq và Syria. Mặt khác, ước tính có khoảng 3.000 công dân Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Canada, Mỹ, Úc, SNG, các quốc gia Bắc Âu… đã và đang chiến đấu cho IS. Nhà nước Hồi giáo cũng đẩy mạnh tuyển mộ chiến binh ở các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan… thông qua các tổ chức ủng hộ IS.
Trong lực lượng IS có khá đông phụ nữ. Ngoài chiến đấu, họ tham gia các nhiệm vụ như thu thập thông tin tình báo, đảm bảo hậu cần, chăm sóc hỗ trợ chiến binh. Khi chiếm đóng một khu vực, IS xây dựng lực lượng an ninh nữ để duy trì quy định về ăn mặc, ứng xử của Hồi giáo. Họ cũng cần nữ cảnh sát để kiểm tra những phụ nữ qua lại các trạm kiểm soát đề phòng họ mang vũ khí tuồn cho kẻ thù. Trên hết, Nhà nước Hồi giáo cần các chiến binh của họ lập gia đình và sinh con để phát triển quy mô. IS nói với các nữ thành viên rằng đóng góp chính của họ cho “cách mạng Hồi giáo” là sinh đẻ chứ không phải trực tiếp chiến đấu. IS còn dụ dỗ phụ nữ phương Tây qua mạng xã hội bằng những lời hứa hẹn về niềm vinh quang khi chồng con họ chết vì đạo. Đã có nhiều phụ nữ phương Tây đến Syria để tham gia IS.
Các lực lượng chống IS bị chia rẽ
Trong khi đó, các báo cáo tình báo khẳng định cho đến nay, IS vẫn liên tục nhận được những nguồn tiền tài trợ lớn từ nhiều nước trên thế giới. Giới quan sát cũng cho rằng IS tồn tại được do có sự chia rẽ giữa các đồng minh chống lại nhóm khủng bố này. Theo ông Michael Knights-chuyên gia về Iraq ở Viện Chính sách Trung Cận Đông, tất cả các nước Trung Đông đều tuyên chiến với IS, nhưng không nước nào coi IS là kẻ thù chính. Các nước này coi cuộc chiến chống IS chỉ là sự chuẩn bị cho “cuộc chiến” khác quan trọng hơn nhằm cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite, giữa người Arab và người Kurd, giữa các phe phái do Arab Saudi lãnh đạo và Iran dẫn dắt ở Trung Đông. “Có rất nhiều cuộc chiến bên trong cuộc chiến chống IS đã và đang diễn ra”, chuyên gia này nói.
Có thể nói, IS rất biết cách thích ứng để có thể tồn tại trong khi các quốc gia chống nó lại có những toan tính ích kỷ của riêng mình. Do vậy, IS là một tổ chức khủng bố “đặc biệt” và là hiểm họa lâu dài của nhân loại dù nó đang hứng chịu nhiều thất bại và chưa phát triển tới quy mô toàn cầu như lý tưởng tối cao của nó.
Đăng Song