Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang trao quà hỗ trợ cho các hộ gia đình người Chăm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 ở ấp Vĩnh Lợi 2, xã  Châu Phong, thị xã Tân Châu.

Nguồn lực của các tôn giáo đều có điểm xuất phát tinh thần khuyên răn con người hướng thiện, biết sống vì cộng đồng, đề cao đạo làm người… Nếu được phát huy hiệu quả, nguồn lực tinh thần của tôn giáo sẽ tạo ra nguồn lực góp phần xây dựng xã hội hài hòa, ổn định.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau. Hiện nay, cả nước có hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số). Nhiều năm qua, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các tôn giáo luôn chú trọng gắn kết đồng bào các tôn giáo, tăng cường mối đoàn kết lương - giáo trên địa bàn, đồng thời tô thắm thêm truyền thống "Tương thân tương ái" của dân tộc.

Đại dịch Covid-19 khiến con người phải giữ khoảng cách với nhau về không gian và thời gian, nhưng tình người thì vẫn luôn đầy đặn như truyền thống vốn có của dân tộc mỗi khi đất nước gặp những biến cố bất thường. Từ những em nhỏ cho tới người cao tuổi, từ người khó khăn cho tới người sung túc, đủ đầy, từ người trong nước cũng như ở nước ngoài, từ những người tù hành cho tới các chính khách…; tất cả có thể khác về quan điểm, tôn giáo hay địa lý, nhưng lại chung một tấm lòng đó là yêu thương, sẻ chia, đồng cảm và thậm chí là sự hy sinh không ngại nguy hiểm góp sức trong phòng, chống dịch bệnh.

Từng túi gạo, túi bánh đến những suất cơm 0 đồng hay những cử chỉ thân thương nhất đã và đang diễn ra trên dải đất hình chữ S thân thương. Từng Hội đoàn, những nhà tu hành, giáo chức của nhiều tôn giáo đã tự nguyện dấn thân vào tâm dịch để chăm sóc và phục vụ các bệnh nhân nơi mọi môi trường khác nhau.

Từ nhiều tháng nay, mỗi tôn giáo với đặc thù, thế mạnh của mình đều đã có những cách làm khác nhau, dành gửi tình cảm cho bà con vùng dịch. Chỉ trong tuần qua (từ ngày 14 đến 21-10), các tổ chức tôn giáo tiếp tục tích cực tham gia đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chung tay với các cấp chính quyền kịp thời hỗ trợ cho các lực lượng phòng, chống dịch và nhân dân tại các vùng dịch.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cơ sở tự viện đã trao tặng 6 máy trợ thở; ủng hộ 38,5 tấn gạo; 132 tấn rau, củ, quả và nông sản các loại; 4.500 phần quà; 9.200 suất ăn; 1.236 thùng mì và 10 suất học bổng cho các học sinh gặp khó khăn tại các vùng dịch; hỗ trợ 4.000 lít xăng cho người lao động từ T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê. Tổng Giáo phận Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình “Hạt gạo tình thương”, hỗ trợ các phần quà cho những người gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Các giáo xứ, dòng tu Công giáo trao tặng 215 phần  quà cho các hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.

Các Hội thánh Cao Đài ủng hộ 7,5 tấn gạo; 5 tấn rau, củ, quả; 130 phần quà; 10 triệu đồng Quỹ phòng, chống Covid-19; 2.700 suất ăn. Các Hội thánh Tin lành và các chi hội Tin Lành tại các địa phương tặng 2 máy tạo ô xy; 10 bộ đo nồng độ ôxi trong máu; 9.000 suất ăn. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam trao tặng 42.905 thang thuốc xông; 11,2 tấn gạo; 42 tấn rau, củ, quả; 2.340 phần ăn; 250 bánh mì; 7 thùng sữa; 33 lốc nước suối. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo các địa phương duy trì 400 xe cứu thương phục vụ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế miễn phí; ủng hộ 54,5 tấn nông sản; 44.550 suất cơm; 500 đòn bánh tét; 10.000 thang thuốc xông…

Trong lúc khó khăn, tình thương chính là “liều thuốc” thiết thực nhất giúp  phần nào vơi đi niềm đau, sự mất mát, tổn thương nơi tâm hồn và thể xác. Cũng nhờ vậy mà mọi người, mọi tôn giáo có cơ hội xích lại gần nhau để cùng đẩy lùi đại dịch Covid-19. Sự chung sức, đồng lòng của các tổ chức tôn giáo tại các địa phương là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, của những tấm lòng đong đầy tình nghĩa, tình thương con người trước nỗi đau chung.

Mai Phương