Anh nhớ hồi anh còn nhỏ ấy, Khoa có bài thơ rất ngắn thế này:

ĐẤT:

Đất muốn nói điều chi thế

Mà không nói được với người

Mà rạo rực trong quả ngọt

Mà rưng rưng màu lá tươi...

Thế rồi có một lần, trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 5 toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy bài thơ này của Trần Đăng Khoa ra làm đề văn. Các em có thể nhập vào Đất, đóng vai Đất tâm sự với người. Với tư cách là tác giả, Trần Đăng Khoa có gợi ý gì với các em không?

NGUYỄN DOANH NGHIỆP - (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

TRẦN ĐĂNG KHOA

Em chẳng dám gợi ý đâu, bác ạ. Vì học sinh bây giờ thông minh và tài hơn cậu bé Khoa ngày xưa rất nhiều. Thêm nữa, cái đề thi của Bộ lại rất thoáng. Bài thơ chẳng có gì đặc biệt, nhưng đề văn ra rất hay. Các em có thể bám vào bài thơ, vin vào ý thơ mà nghĩ tiếp, sáng tạo tiếp, hoặc có thể hoàn toàn thoát ra khỏi bài thơ, vận dụng trí tưởng tượng mà tung hoành sáng tạo.

Các em có thể “dịch” cho người hiểu lời của Đất. Đất không dùng âm thanh ngôn ngữ, nhưng  vẫn có tiếng nói riêng, nói bằng màu sắc và hương vị của cây lá, hoa quả. Nếu diễn đạt một cách giản dị, trắng phớ thì đấy là nói bằng hiệu quả của công việc. Vị ngọt của quả là cái bên trong và màu sắc tươi xanh của hoa lá là cái bên ngoài. Bài thơ này khi dịch sang tiếng Nga, một nhà thơ nổi tiếng Nga đã loại bỏ cái luyến láy, e ấp ấy của ngôn ngữ tiếng Việt. Và từ bản dịch tiếng  Nga, một nhà thơ Việt lại dịch trở lại thành một bài thơ tiếng Việt khác, như sau:

Lời của Đất ngắn gọn

Thay cho lời chỉ

Hoa tươi

Quả ngọt...

Vẫn ý cơ bản ấy, nhưng ngôn ngữ và cách phô diễn hoàn toàn khác nhau, cho ta một ví dụ nhỏ để phân biệt tư duy thơ phương Đông và thơ phương Tây khác nhau là như thế nào...

TĐK