Năm học mới lại đến với học sinh, sinh viên trên khắp thế giới, nhưng thay vì tới trường học bình thường thì việc học trực tuyến được nhiều nước áp dụng để bảo đảm an toàn phòng chống đại dịch Covid-19.

Đã là học trực tuyến thì phải có máy tính, điện thoại và có kết nối Internet. Mà đã nói vậy là phải có điều kiện kinh tế trong khi dịch bệnh làm giảm hoặc mất hẳn thu nhập của hàng triệu hộ gia đình. Indonesia là một trong số ít nước đã hỗ trợ kinh phí để bảo đảm chất lượng cho ngành Giáo dục khi năm học mới bắt đầu. Theo đó, ngày 27-8, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Indonesia - Nadiem Makarim công bố sẽ giải ngân khoảng 532 triệu USD bảo trợ xã hội dưới hình thức hỗ trợ phí thuê bao điện thoại và truy cập Internet cho các giáo viên, học sinh và sinh viên tham gia giảng dạy và học tập từ xa trong vòng 4 tháng tới. Ngân sách hỗ trợ trên sẽ được giải ngân cho các học sinh dưới dạng gói truy cập Internet có dung lượng 35 GB/tháng, trong khi các giáo viên sẽ được nhận gói dữ liệu 42 GB. Sinh viên và giảng viên các trường đại học sẽ được nhận gói dữ liệu Internet 50 GB/tháng trong vòng 4 tháng, từ tháng 9 tới 12. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Văn hóa cũng sẽ giải ngân các khoản hỗ trợ khác cho giáo viên, giảng viên và những người làm công tác giáo dục.

Đó là ở Indonesia. Còn ở các vùng miền núi xa xôi của Ấn Độ, các nhóm tình nguyện phải ghi bài giảng vào đĩa CD, sử dụng “loa kẹo kéo” để phát bài giảng trong khi học sinh ngồi xung quanh trong những vòng tròn vẽ sẵn cách xa nhau để phòng, tránh Covid-19.

Sự học có muôn cách và càng phong phú hơn trong dịch Covid-19. Khó mấy cũng phải học!

       Nam Long