Tàu khu trục USS Mustin của Hải quân Mỹ áp sát Hoàng Sa một ngày sau vụ bắn tên lửa của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc bắn tên lửa đất đối hải vào Biển Đông trong một cuộc diễn tập gần đây cùng những động thái phản ứng tức thì của Mỹ đã khiến căng thẳng leo thang. Đáng ngại, đây là những hành động leo thang quân sự

Từ ngày 23 đến 29-8, Trung Quốc tự ý công bố cấm bay ở một số khu vực trên Biển Đông và biển Hoa Đông để diễn tập quân sự trong khi chính bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, thiên tai hoành hành cùng một số vấn đề phức tạp khác. Cuộc diễn tập trong bối cảnh này vừa như để khoe khoang “cơ bắp quân sự” vừa có tính răn đe cao, nhất là với Mỹ, khi Trung Quốc bất ngờ thông báo phóng thành công 2 quả tên lửa mà họ gọi là “sát thủ diệt hạm” từ 2 địa điểm khác nhau là Chiết Giang và Thanh Hải, cách mục tiêu hàng nghìn ki-lô-mét.

Biển rộng mênh mông nhưng Trung Quốc lại chọn tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà họ đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam và Việt Nam, đã ngay lập tức phản đối. “Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hòn đảo này” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Không chỉ riêng Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 27-8 cảnh báo rằng những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Lầu Năm Góc một mặt xác nhận lực lượng của Trung Quốc đã phóng 4 quả tên lửa đạn đạo (có thông tin 2 quả tên lửa đã gặp trục trặc kỹ thuật) trong các cuộc tập trận ở khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời chỉ rõ động thái này đặt ra nghi vấn về cam kết của Bắc Kinh trong việc tránh các hành động mang tính khiêu khích. Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc chỉ rõ: "Những hành động như vậy cũng vi phạm các cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 nhằm tránh các hành động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Mỹ rõ ràng không chỉ phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc bằng lời nói mà còn cho 1 máy bay trinh sát U-2 bay vào khu vực Trung Quốc tuyên bố cấm bay để tập trận. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, là "động thái mới nhất trong chuỗi các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển trái phép và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á". Mặc dù tháng 7 vừa qua, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc giảm việc "quân sự hóa" trong khu vực, nhưng thay vào đó, "Trung Quốc lại lựa chọn leo thang các hành động tập trận bằng cách phóng tên lửa đạn đạo".

Nói cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc là một bước leo thang mới bởi ngoài việc cải tạo và quân sự hóa nhanh chóng các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam, tăng cường quấy rối, cản trở việc khai thác tài nguyên của Việt Nam và các nước khác, giờ đây, Trung Quốc lại rầm rộ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự với quy mô ngày càng cao.

Thế nhưng các nước không vì thế mà khoanh tay đứng nhìn. Ngày 26-8, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với 24 công ty Trung Quốc và các cá nhân “có liên quan tới các hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông”. Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ 24 công ty Trung Quốc nói trên “có vai trò” trong việc xây dựng và quân sự hóa những đảo nhân tạo đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích trên Biển Đông.

Trong khi đó, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ hạn chế thị thực đối với những cá nhân Trung Quốc có liên quan tới các hoạt động trên, cũng như những người có liên quan tới việc “ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông tiếp cận các nguồn tài nguyên trên biển”.

Trung Quốc ngày càng lấn tới ở Biển Đông và Mỹ đã nói là làm một cách rất khẩn trương. Căng thẳng ngày một leo thang ở vùng biển này. Sự gia tăng các hành động quân sự của cả hai bên có nguy cơ cao dẫn đến va chạm và khi đó chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Thanh Huyền