Người giàu ở Việt Nam giờ đây không còn sợ xã hội bỉ bôi, khinh rẻ nữa. Đó cũng là một thành tựu của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói như vậy bởi vì trong suốt nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam dưới ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân là một xã hội nghèo khổ bị bóc lột đến tận cùng. Trong điều kiện đó, chỉ có một số rất ít người Việt giàu có là quan lại, địa chủ, tư sản mại bản. Phần lớn những người này gắn bó quyền lợi với chính quyền tay sai của thực dân Pháp nên bị cộng đồng khinh miệt. Cơ sự “ghét người giàu” hình thành từ đó.

Bây giờ, nghèo là nỗi nhục. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tâm sự với thanh niên, sinh viên: “Sứ mệnh của thế hệ chúng tôi là rửa nỗi nhục mất nước. Bây giờ có hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước rồi, sứ mệnh của thế hệ các bạn là rửa nỗi nhục nước nghèo; đưa đất nước giàu mạnh sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Ngẫm cho cùng, khinh rẻ người giàu là một tâm lý đặc biệt của xã hội ta ở một thời điểm đau thương đặc biệt khi đất nước mất quyền độc lập. Còn nhìn chung, ông bà ta rất trọng người giàu. Trong quan niệm về “ngũ phúc” thì chữ “phú” đứng hàng đầu “phú, quý, thọ, khang, ninh”.  “Bần tiện vô nhân vấn, phú quý đa nhân hội” (nghèo khổ không ai hỏi, giàu có nhiều người tìm). “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử/ Hết cơm, hết gạo hết ông tôi”. “Vai mang túi bạc kè kè/ Nói phải, nói trái người nghe rầm rầm”. Nhìn chung, người giàu thường là những người có trí tuệ để tổ chức sản xuất-kinh doanh, cho nên ông bà ta mới có câu: “Một người lo bằng một kho người làm”. Quan niệm dân gian này rất phù hợp với đánh giá của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của khoa học, trí tuệ.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, “Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà nghèo trồng củ tía ra củ nâu”... Khi giàu có thì con người ăn ngon, mặc đẹp, sức khỏe dồi dào, tinh thần thoải mái, đầu óc phóng khoáng, hiểu biết được nâng tầm, “Vua biết mặt, chúa biết tên” nên làm gì cũng thuận lợi. Vì thế mà giờ đây ai cũng đua nhau làm giàu.

Chương trình Quốc gia khởi nghiệp do Chính phủ phát động cũng nhằm tạo ra cơ hội để mọi người cùng làm giàu chính đáng. Mục tiêu tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ của nước ta là xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Chân lý đơn giản ấy, cũng phải trải qua một quá trình đấu tranh tư tưởng đầy gian nan mới đạt được sự đồng thuận sâu sắc trong xã hội. Vì thế mà chúng ta mới ra đời được Nghị quyết T.Ư 5, Khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Chúng ta giờ mới nhận ra rằng, khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, dù có chiếm tỷ trọng cao bao nhiêu đi chăng nữa trong cơ cấu GDP của đất nước thì dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý điều hành của Nhà nước pháp quyền XHCN thì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn đi đúng hướng.

Trong khi khuyến khích cả xã hội làm giàu chính đáng thì chúng ta vẫn phải cảnh giác với sự làm giàu của đội ngũ cán bộ, công chức. Từ cổ chí kim, ông bà ta vẫn luôn căm ghét “tham quan ô lại”. Người dân thuộc mọi thành phần kinh tế có thể làm bất cứ điều gì để giàu nếu pháp luật không cấm, nhưng cán bộ, công chức thì không được phép lách luật làm giàu bằng mọi giá.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói với cán bộ, chiến sĩ ngành Công an, nhưng cũng là tâm sự với đồng bào cả nước: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian, còn vật chất chỉ là phù vân… Cha ông đã tổng kết: Danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ nịnh xu…”. Giàu có do buôn gian bán lận, buôn thần bán thánh, buôn ô bán lọng... là cái nguy gây ra bất công, bất ổn của xã hội, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của đất nước, của Đảng và chế độ.

Vì lẽ đó, làm giàu phải trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật, làm giàu bền vững bằng trí tuệ chứ không phải là tận thu tài nguyên khoáng sản và phá hủy môi trường. Nếu ai đó chưa thể làm giàu thì nên ngẫm  xem có đúng: sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn?.

Nguyễn Hồng