40 năm đã qua kể từ ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973), nhưng với các nhân chứng, thành viên Ðoàn đàm phán về Hiệp định Pa-ri cũng như nhiều nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam và quốc tế, sự kiện này vẫn còn in đậm trong tâm trí, nhắc nhở họ về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, cũng là niềm tự hào của phong trào giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Pa-ri - mảnh đất ấm tình người

Theo các nhân chứng tham gia Ðoàn đàm phán về Hiệp định Pa-ri, Hội nghị Pa-ri có những đặc điểm "kỳ lạ". Ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Ðại sứ, thành viên Ðoàn đàm phán về Hiệp định Pa-ri nhớ rõ, phải mất hơn một tháng để các bên thống nhất địa điểm và hai tháng để giải quyết vấn đề bàn vuông hay bàn tròn. Nguyên nhân được ông Huỳnh giải thích: Ta và Mỹ đều chọn rất nhiều địa điểm có lợi cho mỗi bên, từ Viêng Chăn, Phnôm Pênh, Mát-xcơ-va, Vác-sa-va... Ðàm phán và đấu trí ròng rã nhiều tuần không ngã ngũ, cuối cùng Mỹ đưa ra danh sách 20 nước, nhưng trong danh sách này lại không có Pháp. Chúng ta đã nghiên cứu và phân tích kỹ rồi tiến hành thăm dò quan điểm của Pháp. Rất phấn khởi là Pa-ri hết sức ủng hộ ý kiến của ta. Sau khi chúng ta thông báo với Pháp và sau đó là phía Mỹ về việc chọn Pa-ri là địa điểm tổ chức đàm phán, Tổng thống Mỹ B.Giôn-xơn lúc bấy giờ chấp nhận ngay.

Nhiều người Việt Nam vẫn nhớ bốn câu thơ nổi tiếng của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) tại Hội nghị Pa-ri, được ông viết trong ngày ký Hiệp định Pa-ri: "Hăm bảy tháng giêng ngày mừng chữ ký/Giữa Pa-ri lộng lẫy sắc cờ ta/Những kiều bào khuôn mặt nở đầy hoa/Khắp bạn bè hướng về ta hớn hở". Nhắc lại đoạn thơ này, với bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH, thành viên Ðoàn đàm phán Hiệp định Pa-ri, không khí tại Pa-ri những năm tháng ấy như bừng sống lại. Bà chia sẻ: "Pa-ri những năm ấy rất đặc biệt. Khi đó, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang ở đỉnh cao. Bầu không khí quốc tế rất sôi động. "Việt Nam" là khẩu hiệu tiêu biểu nhất của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nói chung và tại Pa-ri nói riêng".

Bà Tôn Nữ Thị Ninh tự hào được tắm mình trong bầu không khí "có một không hai" ấy. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (1969-1973), bà là giảng viên đại học ở Pa-ri và giúp việc cho bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Pa-ri. Bà kể: Khi đó, nhiều sinh viên Việt Nam tại Pháp in và phát truyền đơn, trợ giúp phái đoàn đàm phán của ta. Phong trào quốc tế chống Mỹ, phản chiến ở Việt Nam tại Pa-ri diễn ra rất tự nhiên. Pa-ri là mảnh đất ấm tình người và tại đây, Việt Nam nhận được sự bao bọc, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Phát huy nghệ thuật "vừa đánh vừa đàm"

Theo nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh, thắng lợi của Hiệp định Pa-ri là một trong những chiến thắng ngoại giao lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Ông nói: Không phải tới khi đó (1969-1973) Việt Nam mới sử dụng nghệ thuật vừa đánh vừa đàm để chấm dứt chiến tranh. Từ thời Lý, thời Lê, trong các cuộc chiến chống giặc Tống, giặc Minh xâm lược, cha ông ta cũng đã biết khéo léo kết hợp vừa đánh, vừa đàm để bớt hao tổn xương máu mà vẫn giành lại được giang sơn gấm vóc. Theo ông, Việt Nam đánh Mỹ khó khăn nhiều hơn trước bởi trình độ kỹ thuật giữa ta và Mỹ khác nhau. Nhưng tại Hội nghị Pa-ri, ta vẫn thắng Mỹ, mà thắng lớn chứ không thắng nhỏ. Ở đây, nghệ thuật đánh giặc của cha ông đã được phát huy.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh khẳng định, thắng lợi to lớn của Hiệp định Pa-ri bắt nguồn từ tư tưởng chỉ đạo đánh Mỹ trên ba mặt trận, kết hợp giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Ngoại giao được nâng lên thành mặt trận có tầm cỡ chiến lược, phối hợp với mặt trận chính trị, quân sự trong suốt cuộc chiến. Ngoại giao có câu "Không thể giành được trên bàn đàm phán những gì không giành được trên chiến trường". Thắng lợi ở bàn đàm phán Hiệp định Pa-ri, trước hết là, nhờ thắng lợi ở chiến trường, đặc biệt sau chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972. Thứ hai là, có sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, gắn đàm phán song song với chiến đấu, đưa nghệ thuật vừa đánh vừa đàm lên tầm cao. Sau chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không", Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận thế giới và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, còn Mỹ bị cô lập vì đã gây chiến tranh, giết hại người vô tội. Thứ ba là, vận dụng nghệ thuật đó kéo Mỹ xuống thang. Ta buộc Mỹ phải xuống thang nhiều lần trong suốt cuộc đàm phán, trong đó Mỹ phải hạn chế ném bom miền Bắc, sau đó lại chấm dứt ném bom miền Bắc, từ bỏ lập trường trước đó đòi quân ta rút khỏi miền Nam, rồi rút hơn 500 nghìn quân khỏi miền Nam... Do đó, vừa đánh vừa đàm trở thành phương thức hiệu quả nhất để kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự.

Giáo sư G.C.No-en, chuyên gia hoạch định chính sách của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp phân tích, đối với người Việt Nam, chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" cùng những thắng lợi ở chiến trường và trên mặt trận ngoại giao đã mở ra con đường thống nhất đất nước. Phía Mỹ, nhất là các nhà quân sự và bình luận, nhấn mạnh rằng, Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định được vị trí ở bàn thương thuyết và nhìn thấy ở đấy bằng chứng cho thấy có thể giành thắng lợi cho dù Oa-sinh-tơn có sử dụng tất cả các phương tiện quân sự tối tân nhất. Ðối với nhiều học giả quốc tế, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký năm 1973 là một thắng lợi không thể phủ nhận của bản lĩnh và ý chí quật cường của Việt Nam, mà chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" là một kỳ tích đặc biệt.

Theo NDĐT

(TH)