Thực hiện theo Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê và Quyết định số 1584/QĐ- UBND ngày 3 tháng 7 năm 2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà ở sinh viên Đại học Thái Nguyên do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần kí; Đại học Thái Nguyên được phân bổ tổng mức đầu tư 364.363 triệu đồng. Sau đó, ngày 9 tháng 7 năm 2009, UBND tỉnh Thái Nguyên ra tiếp Quyết định số 1625/QĐ - UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà ở sinh viên Đại học Thái Nguyên do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Xuân Đương kí, đã tăng tổng mức đầu tư điều chỉnh lại là 386.200 triệu đồng ( lý do điều chỉnh: Bổ sung 3 hạng mục nhà ở sinh viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng Thái Nguyên - Đại học Thái Nguyên).

Ông Trần Đình Hoán - Phó giám đốc Ban quản lí Dự án xây dựng Đại học Thái Nguyên cho biết :'' Chương trình xây dựng kí túc xá này được lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ ( cho phần xây lắp), còn các chi phí khác dùng nguồn phân bổ của cơ quan chủ quản hoặc của các chủ đầu tư. Đại học Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên giao làm chủ đầu tư. Đại học Thái Nguyên có tổng số 23 khu nhà kí túc xá được xây dựng trong đợt này, các công trình bắt đầu được khởi công từ tháng 9 - 2009 và đến tháng 8 - 2010 là phải hoàn tất để đưa vào sử dụng".

Năm học mới cũng đã đến, hàng vạn tân sinh viên ở mọi miền của tổ quốc, đa phần là sinh viên ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn , Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái... đang háo hức về'' thủ đô gió ngàn - thành phố Thái Nguyên" để được sống và học tập trong một môi trường năng động được xếp vào tốp đứng đầu cả nước. Trong sự háo hức đó, có cả niềm mong đợi được ở trong những khu nhà kí túc xá khang trang, hiện đại vừa được xây dựng xong vẫn còn thơm mùi vữa . Những căn phòng, những dãy nhà ấy là một phần kết quả những chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta.

Sinh viên tự'' xé đường'' mà đi!

Chúng tôi đã thăm nơi ăn, chốn ở của các tân sinh viên thì không hoàn toàn đúng như các em đã mơ và được nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng khi còn ở quê nhà, thậm chí còn là nỗi kinh hoàng khi các em đang phải ở trong những khu kí túc xá trong mơ. Khu kí túc xá của 04 trường đại học: Đại học nông lâm Thái Nguyên; Đại học kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên; Đại học khoa học Thái Nguyên và khoa ngoại ngữ thuộc Đại học Thái Nguyên được ngự trên một khu đất rộng hàng chục ha của trường đại học Nông lâm Thái Nguyên. Khu kí túc xá này có 16 khu nhà 5 tầng, mỗi khu nhà có 39 phòng , với sức chứa khoảng 5.000 sinh viên, nhìn từ xa cứ như một khu chung cư đô thị ở các thành phố lớn.

Gặp chúng tôi, các em sinh viên đều rất cởi mở trò chuyện . Lần đầu tiên được tiếp xúc với nhà báo, em Nguyễn Văn H, quê thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, ở phòng X , khu K - 3, khu nhà của Khoa Kinh tế của Đại học Nông lâm Thái Nguyên rất tự nhiên: '' Báo cáo nhà báo, kể từ hôm ở đây đã hơn nửa tháng rồi nhưng điện nước rất phập phù, quê em ở tỉnh miền núi Bắc Kạn nhưng điện còn có đều hơn ở đây; còn nước thì lúc có, lúc không, và còn có mùi hơi hăng hắc, tắm thì thấy da bị khô; còn đường đi lối lại thì ôi thôi khổ lắm nhà báo ạ! Cả một bãi sình lầy này không có đường ra và cũng không có đường vào, chúng em phải tự "xé đường'' ra mà đi ; những hôm trời nắng và có gió to thì như'' bão cát trên sa mạc'' bởi sự đi lại vận chuyển đất cát của ô tô và máy móc đang thi công , bọn em phải đóng cửa suốt cả ngày". Em Trịnh Quang N, cùng phòng với em H, vẫn còn nguyên giọng ở huyện Nam Đàn , Nghệ An nói chen vào : "Khổ nhất là những hôm trời mưa, khu của bọn em nằm ở giữa khu vực kí túc xá( KTX) nên bị cô lập bởi bùn và đất đỏ nhão nhoét, nếu đi học lên giảng đường và đi ăn trên căng tin thì phải lội bùn, giày, dép đều phải cắp nách. Mấy hôm trước, em bị trơn ngã khi lên giảng đường, quần áo bị nhuộm bùn đen và đất đỏ rồi phải quay về thay quần áo khác, thế là lên lớp bị muộn giờ, năm học mới mà đi học muộn xấu hổ quá anh ạ! Khi thầy giáo hỏi vì sao đi học muộn và em đã trình bày lí do rất chính đáng, thầy giáo cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm''.

Sinh viên phải ''đi ủng'' đến trường!

Sang khu kí túc xá của khu Khoa Ngoại ngữ thuộc Đại học Thái Nguyên xem đời sống của sinh viên có khá hơn không, chúng tôi được các tân sinh viên đến từ miền Tây Bắc xa xôi bày tỏ về nơi ăn chốn ở. Cũng lần đầu tiên được nhà báo phỏng vấn, với ánh mắt còn ngượng ngùng và hơi bẽn lẽn em Lò Thị M ( sinh viên K7, khoa tiếng Anh) đến từ huyện Văn Chấn , tỉnh Yên Bái, ở phòng Y nhỏ nhẹ cho biết: '' Em và các bạn được sống ở khu chung cư dành cho sinh viên này đã hơn nửa tháng rồi, về cơ bản thì có khá hơn ở quê em chút ít, nhưng cái mà chúng em lo nhất là khoản điện, nước và đường đi lối lại. Điện ở đây không ổn định lắm, còn nước thì cứ bị cúp liên miên, khiến cho việc sinh hoạt rất bất tiện. Chắc anh cũng biết đấy, bọn em là con gái nên về phần nước cần đầy đủ hơn là các bạn nam sinh viên''. Câu chuyện đã dần thân mật hơn và đỡ ngại hơn khi bày tỏ với phóng viên Báo CCB Việt Nam: Em Hoàng Thu L (người dân tộc Tày , là sinh viên K7 , khoa tiếng Anh) đến từ huyện Bát Xát , tỉnh Lào Cai cùng phòng với em M thì tự tin hơn với chất giọng tiếng Kinh còn chưa được sõi lắm:'' Ở đây khổ nhất là những hôm trời mưa anh ạ! Từ KTX lên giảng đường và căng tin thì xa, đường thì lầy lội , nhiều hôm buổi trưa bọn em phải nhịn đói, hoặc phải ăn tạm cái bánh mì. Hôm trước em gọi điện về cho mẹ xin thêm ít tiền để mua đôi ủng nhựa để đi những hôm trời mưa. Quê em ở miền núi phải đeo ủng để trèo đồi, trèo núi đã đành, những tưởng được đi Thái( Thái Nguyên) học là không phải đi ủng nữa, ai dè''!

Dùng xe cứu hoả" chữa cháy'' bể nước!

Còn một câu chuyện cũng khá thú vị: Đó là vào ngày tựu trường của các em sinh viên, vì hệ thống nước của khu KTX chưa xong, hoặc do trục trặc vấn đề gì đó nên các bể nước và đường ống nước của toàn khu KTX đều trong tình trạng'' rắn ráo'' cả. Các thầy của Đại học Thái Nguyên đã phải cầu cậy Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thái Nguyê bán cho 6 téc nước để " chữa cháy '' mấy bể nước.

Đem câu chuyện cười ra nước mắt này đển hỏi ông Đào Ngọc Sơn - Đại Tá- Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thái Nguyên, ông Sơn cho hay:'' Vào ngày mùng 5/9/2010, chúng tôi có nhận được lệnh bằng miệng của cấp trên là điều 06 xe nước bằng xe chuyên dụng để cấp cứu cho khu KTX của ĐHTN nằm ở trong trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên''.

Còn ông Trần Đình Hoán lí giải cho việc chậm trễ trong khâu thi công là do trong tháng 8 trời mưa nhiều quá nên ảnh hưởng đến tiến độ. Điện sinh hoạt , chúng tôi vẫn phải dùng điện tạm, còn điện lưới quốc gia vẫn đang triển khai thi công. Nước sinh hoạt không đều là do hệ thống áp suất bơm yếu . Ông khẳng định rằng:'' Trong tháng 9 này là chúng tôi sẽ hoàn tất các hạng mục''.

Tiến độ xây dựng các hạng mục của các khu kí túc xá của Đại học Thái Nguyên đều chậm so với tiện độ, mặc dù ĐHTN triển khai sớm hơn các trường đại học khác ( vì mặt bằng có sẵn). Chúng ta nói chung, các em sinh viên nói riêng vẫn phải hy vọng và tin tưởng là Ban giám đốc Đại học Thái Nguyên sẽ thực hiện đúng lời hứa!? Và một điều nữa, chắc chắn ai cũng phải lo cho chất lượng các công trình liệu có đảm bảo? khi mà công trình mới đưa vào sử dụng mà đã ''tậm tịt '' thế này?

Tạm biệt các em sinh viên ra về, nhìn lại “bãi chiến trường '' mà lòng tôi vui buồn lẫn lộn: vui vì một ngày không xa các em được ở trong một khu kí túc xá khang trang, sạch sẽ, hiện đại hơn rất nhiều so với những KTX "ngày xưa'' mà thế hệ cha anh đã ở, và không phải đi thuê phòng trọ ở nhà dân với giá đắt hơn và không an toàn ; còn buồn vì các em ngày ngày vẫn phải xắn quần cao lội bùn lên giảng đường. ![](/Pictures/Anh nam2010/anhthang9/21den30/ktxh/1.JPG) Toàn cảnh khu ký túc xá ![](/Pictures/Anh nam2010/anhthang9/21den30/ktxh/2.JPG) Đường vào ký túc xá vẫn chưa hình thành ![](/Pictures/Anh nam2010/anhthang9/21den30/ktxh/3.JPG) Hệ thống điện, nước vẫn chưa hoàn thành ![](/Pictures/Anh nam2010/anhthang9/21den30/ktxh/6.JPG) Thợ xây dựng vẫn tiếp tục hoàn thiện ![](/Pictures/Anh nam2010/anhthang9/21den30/ktxh/4.JPG) Đội ô che nắng nhưng vẫn phải xắn quần lội bùn, nước Bài và ảnh : Quốc Hưng