Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 về vấn đề phát triển thủy điện, thủy điện vừa và nhỏ tác động đến môi trường thế nào cũng như những vấn đề liên quan đến phòng, chống thiên tai, bão lũ,  ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh  cho biết qua khảo sát thực tế và báo cáo của các địa phương và đánh giá của các nhà chuyên môn, cơ quan chức năng, trước mắt cần khẳng định rằng câu chuyện sạt lở đất gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng người và của, đặc biệt ở Quảng Trị, Huế, Quảng Nam. Hậu quả này đều có liên quan tới tính dị thường và cực đoan của thời tiết.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng những tác động từ việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, mất độ kết dính đất là những vấn đề do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện cũng như các dự án khác, điều này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và những yếu tố thời tiết cực đoan, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng phải xác định việc ứng phó với thiên tai, bão lũ là câu chuyện mới và phải đặt công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra cảnh báo, dự báo cụ thể hơn nữa.

Liên quan đến thủy điện, Bộ trưởng cho biết hiện Việt Nam có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện quy mô khác nhau, với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3, công suất 20.000MW, chiếm 37% công suất cấp phát toàn quốc. Đây là nguồn năng lượng quan trọng, phục vụ nhu cầu năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năng lượng thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo có mức độ ô nhiễm ít, độ ô nhiễm không khí, rác thải nhà kính gần như không có. Chính vì vậy, việc quản lý và khai thác nguồn năng lượng này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả của nó là nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ thủy điện cũng là rất lớn.  Thực tế có rất nhiều dự án thủy điện xảy ra tình trạng chiếm dụng đất rừng, ảnh hưởng đến chức năng rừng đầu nguồn trong phòng chống lũ, bão cũng như tác động đến môi trường.

Vì giữ vai trò vô cùng quan trọng nên thủy điện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, từ sau Nghị quyết 62 của Quốc hội ban hành cuối năm 2013 và sau đó là Nghị quyết 11 của Chính phủ về thực hiện Nghị quết 62 của Quốc hội thì công tác về phát triển thủy điện nói chung cũng như quản lý an toàn đập, hồ thủy điện và vận hành của các công trình thủy điện đã được đảm bảo ở mức mới.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư về chuyện kiểm soát chặt chẽ sự phát triển thủy điện, không cho phép xâm dụng rừng tự nhiên, từ năm 2016, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành lập không bổ sung thêm dự án thủy điện nào dù là nhỏ, vừa hay lớn nếu có sử dụng đến diện tích đất rừng tự nhiên.

Cần phải có những nghiên cứu cụ thể, đánh giá những mặt hạn chế, tích cực để từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ, tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có đồng thời tiếp tục khai thác tốt nguồn tài nguyên của đất nước.

PV