
Giữa một vùng Đồng Tháp Mười mênh mông mùa nước nổi, từ thị trấn Thạnh Hóa, tỉnh Long An, chiếc xuồng cao tốc ngược dòng Vàm Cỏ Tây đưa chúng tôi đến ấp Đá Biên, xã Thạch Phước. Một miếu thờ nhỏ bé, đơn điệu bên dòng kênh, náu mình dưới tán lá xanh của cây tràm, khói hương trầm nghi ngút. Dưới ánh trăng mờ đầu tháng, trong tiếng khắc khoải của bầy chim gọi nhau về tổ và tiếng côn trùng rỉ rả, tôi gặp ông Nguyễn Văn Tờ, một nông dân của ấp Đá Biên, người đã dựng nên ngôi miếu thờ này. Ông kể: Khu vực này xưa kia chỉ ngút ngàn cỏ cây sông nước, cá tôm nhiều vô kể. Lũ trẻ chúng tôi thường chèo xuồng ra khu vực này bắt cá, cá to thì lấy, cá nhỏ bỏ lại nên dòng kênh chảy qua ấp Đá Biên này có tên “bắt bỏ”. Năm 1990, vợ chồng tôi ra đây khai hoang cày cấy! Điều lạ kỳ là ở đâu cũng gặp xương người. Tôi đem chuyện này kể lại, được các cụ già trong ấp cho biết, ở đây, trước ngày giải phóng đã xảy ra trận đánh ác liệt, quân giải phóng bị thương và hi sinh rất nhiều. Vợ chồng tôi bàn nhau dựng nên ngôi miếu nhỏ, lập bát hương để ngày rằm, mồng một hàng tháng, ngày lễ tết thắp hương để các liệt sĩ phù hộ độ trì cho gia đình tôi làm ăn khấm khá.
Trôi theo ngày tháng, ngôi miếu nhỏ của ông Tư Tờ trở nên nổi tiếng. Rất nhiều CCB thân nhân liệt sĩ từ nhiều tỉnh miền Bắc vào đây tìm hài cốt người thân, đã đến miếu ông Tư Tờ thắp hương cầu khấn, mong tìm được hài cốt đồng đội, người thân.
May mắn tôi gặp được Đại tá Nguyễn Tấn Dẫu, Chính uỷ Trung đoàn 207, Quân khu 8 những năm 1970-1978. Ông kể: Trung đoàn 207 gồm 3 tiểu đoàn, được thành lập đầu năm 1970, tác chiến tại vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia án ngữ trục đường trọng yếu của các huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa vùng châu thổ sông Vàm Cỏ Tây của tỉnh Long An, nối liền Quân khu 8 và Quân khu 9. Đầu năm 1973, trung đoàn được bổ sung hơn 500 quân là sinh viên các trường đại học Xây dựng, Bách khoa (Hà Nội). Tháng 9-1973, trung đoàn cơ động từ Mỏ Vẹt, đến vùng Tràm Thưa, xã Thạch Phước để đánh địch ở cửa ngõ Đồng Tháp Mười. Ngày 3-10-1973, hai tiểu đoàn của trung đoàn đã chạm địch, xảy ra trận đánh ngoài kế hoạch. Địch dùng máy bay, xe lội nước M.113, pháo và bộ binh tấn công quyết liệt. Do địa hình trống trải, cánh đồng ngập nước lút đầu người, hàng trăm chiến sĩ phải co cụm trên khu đất nổi duy nhất ở ấp Đá Biên. Ta tổn thất nặng nề. Hơn 200 chiến sĩ hi sinh, một số bị thương, bị địch bắt sống! May mắn có hai chiến sĩ địch đưa lên trực thăng bay về Tân An, lợi dụng cửa máy bay mở, đã lăn ra ngoài máy bay, rơi xuống sông Vàm Cỏ Tây được du kích cứu sống. Đêm hôm sau, chúng tôi vào tìm kiếm thu gom được hơn 80 liệt sĩ, chúng tôi bó vào tăng, nhưng không tìm được nơi chôn cất. Chúng tôi đành buộc vào cây tràm, báo lên trên để tổ chức đưa về hậu cứ. Nhưng do phải chiến đấu, liên tục di chuyển nên đơn vị đã không thể trở lại Đá Biên chôn cất đồng đội.
Cho đến nay, chưa ai thống kê danh tính và số lượng chiến sĩ hi sinh trong trận đánh này. Đến tháng 10-2012, mới có danh sách hơn 130 liệt sĩ, còn gần 100 liệt sĩ khác vẫn chưa tìm được họ tên, quê quán.
Câu chuyện hơn 200 liệt sĩ của Trung đoàn 207 sẽ rơi vào quên lãng nếu như không có các CCB, không có ông Tư Tờ, không có nhà báo Dương Đức Quảng nhắc tới. Năm 2011, tình cờ đọc trên một tờ báo có thông tin về trận đánh ở ấp Đá Biên của Trung đoàn 207, ông Quảng đã nảy ra ý tưởng cần xây dựng một khu tưởng niệm. Ông đã viết thư đề nghị ông Phạm Huy Hùng, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank). Vốn là người nặng lòng với công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa, ông Hùng đã đồng ý với đề xuất của ông Dương Đức Quảng. Sau nhiều buổi làm việc với tỉnh Long An, huyện Thạnh Hóa và khảo sát địa hình, ngày 19-5-2012, đã khởi công xây dựng khu tưởng niệm với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng là do Vietinbank tài trợ, 4 tỷ đồng là do CCB Trung đoàn 207 và nhiều cơ quan, đơn vị đóng góp. Sau 6 tháng thi công, đầu tháng 10-2012, khu tưởng niệm đã hoàn thành trên khu đất 5.000m2 gồm một nhà tưởng niệm khang trang, bia ghi công liệt sĩ, quả chuông đồng cùng nhiều hạng mục phụ trợ. Ấp Đá Biên sâu nặng công ơn liệt sĩ, là địa danh được cả nước biết đến.
Ngày 22-10-2012, nhân ngày giỗ lần thứ 39 các liệt sĩ hi sinh ở ấp Đá Biên, lễ khánh thành khu tưởng niệm diễn ra thật sự xúc động với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu và nhân dân địa phương. Đồng chí Đỗ Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa cho biết: Huyện Thạnh Hóa sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình, biến khu tưởng niệm thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cách mạng cho lớp trẻ.
Bài: Minh Hà Ảnh: Vũ Huyến