Tại hội nghị, các đại biểu sẽ rà soát lại các hoạt động phòng chống dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 và đại dịch cúm ở người trên quy mô toàn cầu; tổng kết các bài học kinh nghiệp và mô hình hay từ các quốc gia khác nhau để có thể nhân rộng thực hiện.
Các đại biểu cũng sẽ đưa ra các đề xuất, định hướng ứng phó với dịch cúm A một cách bền vững cho sau năm 2010, xem xét khả năng nhân rộng thành tựu nghiên cứu khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm đúc kết từ công tác ứng phó với dịch cúm gia cầm hiện nay để triển khai phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm có khả năng phát triển thành đại dịch.
Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng sẽ được các đại biểu thảo luận để đạt được sự đồng thuận. Đây là tài liệu quan trọng định hướng hoạt động điều phối và hợp tác quốc tế về cúm gia cầm và đại dịch cúm sau năm 2010.
Tại buổi trao đổi thông tin dành cho báo chí trước thềm Hội nghị diễn ra, chiều 16/4, tại Hà Nội, ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, dịch cúm gia cầm xuất hiện đầu tiên tại châu Á vào năm 2003 và lan rộng sang nhiều quốc gia. Tính đến nay, trên thế giới có hơn 490 trường hợp mắc cúm gia cầm và đã có 290 người tử vong.
Hiện nay, mức độ lây lan dịch cúm gia cầm cũng như số người mắc bệnh và tử vong vì dịch này đã giảm so với những năm đầu mới xuất hiện dịch; và đến nay chỉ còn ba quốc gia gồm Ai Cập, Việt Nam và Indonesia có người mắc bệnh cúm A.
Tuy nhiên, dịch này vẫn còn diễn biến phức tạp và tiếp tục nỗ lực phòng chống, ông Jean Marc Olive nhấn mạnh./.

Cao Thúy