Các nhà thiên văn của Đài thiên văn Paris tại Pháp phân tích dữ liệu từ một phổ kế trên Venus Express, phi thuyền của Liên minh châu Âu. Phổ kế này đo ánh sáng nhìn thấy và ánh sáng hồng ngoại. Vì thế nó được sử dụng để theo dõi bề mặt của sao Kim, hành tinh bị bao phủ bởi bầu khí quyển dày đặc.

Nhóm nghiên cứu so sánh những vị trí đặc biệt trên bề mặt của sao Kim ngày nay với kết quả quan sát sao Kim do phi thuyền Magellan của Mỹ thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1990 tới năm 1994.

Kết quả cho thấy, vào cùng một thời điểm bất kỳ, những điểm nổi bật trên bề mặt sao Kim ngày nay cách tới 20 km so với vị trí trước kia của chúng. Nhóm nghiên cứu quan sát rất nhiều lần, song kết quả vẫn không thay đổi.

Nhóm nghiên cứu tính toán rằng thời lượng một ngày của sao Thủy tăng thêm 6 phút rưỡi. Một ngày sao Kim tương đương 243 ngày trên trái đất.

Các nhà thiên văn cho rằng quá trình cọ xát giữa bầu khí quyển và bề mặt sao Kim khiến chuyển động của bề mặt trở nên chậm hơn. Đây là hiện tượng khó tin trên trái đất, song đối với sao Kim thì nó rất bình thường. Bầu khí quyển sao Kim, có độ dày tới 100 km, chứa những đám mây rất đặc (khí CO2 chiếm tới 96% thành phần các đám mây). Mây trên sao Kim chịu tác động của những cơn gió có tốc độ tới 350 km/h.

Áp suất khí quyển trên bề mặt sao Kim gấp 92 lần so với địa cầu – nghĩa là tương đương với áp suất ở độ sâu 900 m dưới biển.

Vậy một ngày nào đó tốc độ của sao Kim sẽ giảm tới mức nó ngừng quay hoặc đảo chiều?

Quỳnh Anh (TH)