Thuốc thang là dạng thuốc cổ truyền gồm có một hoặc nhiều vị thuốc kết hợp với nhau - theo lý luận của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian. Thuốc thang thường được sắc với nước, khi nước cô lại ở hàm lượng nhất định thì người bệnh mới uống. Sắc khác với nấu ở chỗ, nấu thì chỉ cần chín là ăn uống được, còn sắc thì phải chờ đến khi nước thuốc cô lại ở hàm lượng nhất định mới dùng. Để https://vtv.vn/sac-thuoc.html sắc thuốc đông y đúng cách cần lưu ý những vấn đề sau:

Chọn dụng cụ sắc thuốc: Ngày xưa, người bệnh thường chỉ dùng ấm đất để sắc thuốc. Ấm đất là sản phẩm giữ được nhiệt độ lâu, giữ nguyên hương liệu và hầu như không gây tương tác gì với thuốc. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, kĩ thuật, có thể dùng nhiều dụng cụ sắc thuốc khác nhau như siêu bằng sành hay đất, siêu inox, siêu thủy tinh, ấm sắc thuốc bằng điện. Tuyệt đối không nên dùng dụng cụ sắc thuốc bằng nhôm vì trong lúc sắc có thể sinh ra một số thành phần tương tác với thuốc.

Chọn nước sắc thuốc: Người bệnh có thể dùng nước mưa, nước giếng hoặc nước máy đã được khử khuẩn để sắc thuốc; không cần dùng nước tinh khiết hay nước cất để sắc thuốc gây lãng phí.

Số lần sắc thuốc: Thông thường, với một thang thuốc Đông y, người bệnh phải sắc thuốc 2 lần. Nước nhất sử dụng 4 chén nước, còn lại hơn nửa chén. Nước thứ 2 sử dụng 2 chén nước còn lại nửa chén. Nước sắc được trong 2 lần hòa vào nhau rồi mới uống.

Thời gian sắc thuốc: Tùy vào thang thuốc mà thời gian sắc thuốc nhanh hay chậm. Sắc nhanh thì trung bình khoảng 20 phút, sắc chậm thì thời gian có thể 60 phút hoặc hơn. Thông thường, các loại thuốc có chứa tinh dầu thì sẽ sắc thuốc nhanh, còn các loại thuốc bổ thì sẽ phải sắc thuốc với thời gian lâu hơn. Người bệnh nên thăm hỏi thầy thuốc kỹ lưỡng về cách sắc và thời gian sắc thuốc để đảm bảo thực hiện đúng, mang lại hiệu quả khi chữa bệnh.

Thùy Linh