Vào khoảng những năm 1960 về trước, rừng ở đây xanh lắm. Rừng thì xanh nhưng đời sống người dân lại rất vất vả, đói nghèo. Hơn 90% số dân Bảo Hà là người Mông và người Dao sống du canh du cư phá rừng làm rẫy trồng 1-2 vụ lúa nương rồi lại bỏ đi. Rừng Bảo Hà bị phá, nhưng cũng chỉ bằng một phần của khoảng thời gian hơn hai chục năm sau đó khi gần 100 hộ đồng bào dưới xuôi lên làm kinh tế mới. Rừng trụi cả mảng, bao cây cổ thụ gốc đôi ba người ôm cũng chịu khuất phục trước lưỡi dao quắm, cưa điện… Khi xã triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 và Nghị định 64 về giao đất, giao rừng lâu dài, hầu hết bà con không nhận vì rừng lúc ấy không giao không nhận nhưng vẫn cứ vô tư chặt hạ, mặt khác, đồng bào sợ phải nộp thuế. Đất gần, đất tốt có vài hộ nhận, còn đất cằn, đất xa bị bỏ hoang hóa cho lau sậy.
Cuối năm 1992, anh Phạm Thanh Xuân là thương binh 2/4 thời chống Mỹ ở xã Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện, Hải Dương) dắt díu vợ và 6 con nhỏ lên làng Lúc, xã Bảo Hà lập nghiệp. Qua 4 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Lào (1970-1974), bị thương mất cánh tay trái (77% thương tật), lại là nạn nhân chất độc da cam 61%, với gánh nặng gia đình, một lần nữa anh Xuân lại quyết định đưa gia đình về với rừng. Người trong xã rỉ tai nhau, lại thêm một tay dao quắm, cưa điện điệu nghệ nữa đây!
Vậy mà không. Người thương binh ấy vừa ổn định chỗ ở gia đình đã làm đơn xin nhận 40 hecta đất đồi cằn cỗi hoang hóa để làm trang trại và được chính quyền địa phương chấp nhận. Tuy chỉ còn lại một cánh tay, trên mình lại 5-6 vết thương luôn hành hạ lúc trái gió trở trời nhưng anh vẫn cùng người vợ đảm đang Phạm Thị Thoát ngày đêm cuốc xới, san đất tạo đường đồng mức chạy xung quanh đồi để giữ đất màu khỏi rửa trôi.Trên đỉnh mỗi quả đồi, anh chị để dành khoảng 1ha cây rừng tự nhiên để giữ độ ẩm, tạo nguồn nước, làm chuồng nuôi gia súc; phần đất còn lại trồng 200 cây vải, nhãn; 100 cây quất, 600 cây mơ, đào ao nuôi cá; tận dụng đất trống giữa các hàng cây, anh chị trồng ngô, đỗ, lạc, vừng “để lấy ngắn nuôi dài”. Trên các sườn núi cao, anh chị trồng hai vạn cây quế… Qua ba năm, số nhãn, vải, quế của anh chị đã trổ hoa, anh chị quyết định thành lập Công ty phát triển ong miền núi Thanh Xuân với 35 công nhân là con em đồng bào các dân tộc trong xã cùng làm. Từ lúc đầu nuôi vài chục đõ ong, đến nay công ty đã phát triển lên 600 đõ ong. Không chỉ ở Bảo Yên, đàn ong của công ty được đưa đi hút mật tận Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước… mỗi năm mang về hàng chục ngàn lít mật. Anh chị dành hai vạt đất tương đối bằng phẳng ở bản Hồng Bùn 4 và bản Lúc rộng gần 10.000 m2 để lập hai vườn ươm cây giống, ươm các loại cây sưa, xoan, quế, mỡ và các loại cây ăn quả như táo, nhãn, vải, bưởi… Mỗi năm vườn ươm của anh chị cung cấp cho thị trường trên một triệu cây giống chất lượng các loại, đặc biệt là phục vụ cho dự án phủ xanh đất trống đồi trọc tại 5 xã ven đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai là các xã Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà (huyện Bảo Yên) và hai xã Tân An, Tân Thượng (huyện Văn Bàn). Nhìn người thương binh, nạn nhân chất độc da cam chỉ còn một tay, người nhỏ nhắn, mái tóc bạc nay đã ở tuổi 71 mà vẫn luôn tay lao động, ai cũng cảm phục. Vải, nhãn, cá, quế, ong đem lại doanh thu mỗi năm cho anh và gia đình hàng tỷ đồng, nhưng quan trọng hơn cả là màu xanh tươi tốt đã lại ngập tràn trên rừng Khe Chẩn, núi đá tưởng chừng như đã trọc lốc một thời.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là người hết lòng với các công tác xã hội khi nhiều năm liền là Ủy viên BCH Hội CCB xã, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Lúc... Là người đã từng chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên, hiểu rõ tác hại của chất độc đi-ô-xin, anh thường kể lại cho bà con nghe tác hại của chất diệt cỏ, vận động bà con không dùng chất diệt cỏ, không dùng bả chuột độc hại, thu dọn gọn gàng các chai lọ thuốc sâu và phát động phong trào dùng bẫy chuột bằng kẹp sắt đặt trên các nương ngô, nương sắn. Hiện nay, ở bản Lúc và nhiều bản khác của xã Bảo Hà, bà con đã bỏ tục thả rông trâu bò, lan tỏa cách làm chuồng trại và nhà vệ sinh xa nhà ở. Mỗi năm, gia đình anh ủng hộ cho Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và nhiều gia đình trong xã hàng vạn cây giống các loại, góp phần đáng kể vào phủ xanh đất trống đồi trọc trong khu vực; ngoài ra anh còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng giúp các nạn nhân da cam, quỹ khuyến học và nhiều quỹ từ thiện khác. Các đoàn thể và trường học trong xã hàng chục năm qua được hội viên CCB Phạm Thanh Xuân tặng hàng vạn cây giống trồng trong các dịp Tết trồng cây phủ xanh đường làng ngõ xóm, trường học. Anh Hoàng Văn Nhâm là con liệt sĩ trong xã Bảo Hà có hoàn cảnh khó khăn, được hội viên CCB Phạm Thanh Xuân ủng hộ và cử người đến trồng tặng hơn 3.000 cây keo giống trên quả đồi trọc thuộc phần đất gia đình, đến nay cây cối xanh tốt, sắp được thu hoạch, gia đình anh mừng lắm. Miệng nói tay làm, ngày hội Đại đoàn kết dân tộc hai năm qua, anh chị ủng hộ khu dân cư hai con lợn béo và hàng trăm cuốn sổ công tác... Hội viên CCB, thương binh Phạm Thanh Xuân được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB nuôi ong và Chủ nhiệm CLB trang trại của tỉnh Lào Cai, hàng trăm đồng đội CCB và người dân từ nhiều vùng đã đến thăm quam, học hỏi kinh nghiệm của anh để phát triển kinh tế gia đình, làm cho Lào Cai ngày càng xanh và giàu đẹp hơn.
Núi rừng ở Bảo Hà nay đã xanh tươi tốt trở lại, trong đó có sự đóng góp công sức đáng kể của CCB Phạm Thanh Xuân.
Nguyễn Trung Thành