Vụ đánh bom xảy ra chiều 22-7 vào tòa nhà Chính phủ ở trung tâm thủ đô Ô-xlô làm cho kính vỡ, gạch đá và tài liệu từ 3 tòa nhà trụ sở của Văn phòng Chính phủ, trụ sở Bộ Dầu mỏ và Năng lượng và trụ sở tờ báo khổ nhỏ hàng đầu Na Uy VG, bay khắp các phố xung quanh. Ít giờ sau vụ nổ trên, đến tối 22-7, vụ xả súng kinh hoàng tại trại hè thanh niên, do Đảng Lao động của Thủ tướng Na Uy Gien Xtôn-ten-bớc tổ chức trên hòn đảo U-tâu-i-a tây bắc thủ đô
Ô-xlô, nơi có gần 600 người đang tham gia trại hè của thanh niên trên đảo. Đây là vụ tấn công kép khiến gần 100 người thiệt mạng, không chỉ làm rung chuyển Na Uy, quốc gia được mệnh danh là thanh bình nhất châu Âu mà còn chấn động cả thế giới. Thủ tướng Gien Xtôn-ten-bớc đã tuyên bố đây là một thảm họa quốc gia tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai ở nước này.
Cơ quan tình báo Na Uy cũng từng cảnh báo về nguy cơ khủng bố ngày càng tăng khi có các công dân Na Uy từng được huấn luyện khủng bố tại các nước như Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Xô-ma-li và Y-ê-men. Sự kiện Tổng thống B. Ô-ba-ma công bố kế hoạch rút quân khi chính quyền Áp-ga-ni-xtan chưa thể kiểm soát được an ninh trong nước, các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp và Ca-na-đa... cũng đồng loạt công bố quyết định rút quân và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2014; đây được xem là nhân tố để Ta-li-ban và các phần tử khủng bố tận dụng để mở ra nhiều hoạt động mới. Trong khi đó, Mỹ cắt khoản viện trợ trị giá 800 triệu USD cho quân đội Pa-ki-xtan thì I-xla-ba-mát cũng tuyên bố rút binh sĩ tại gần 1.100 điểm kiểm soát dọc biên giới Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan với nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp. Cuộc triệt thoái quân đội trên biên giới của I-xla-ba-mát cũng như cuộc rút quân của Mỹ và đồng minh tại Áp-ga-ni-xtan đang diễn ra như một mối liên hệ nguy hiểm đã dự báo một tình trạng bất ổn mới.
Sau vụ tấn công kép, nhóm khủng bố tự xưng là “Thánh chiến Hồi giáo” đã nhận chúng đánh bom là để trả thù việc Na Uy đưa quân đến Áp-ga-ni-xtan và xúc phạm đấng tiên tri Hồi giáo Mô-ha-mét. Tuy tính xác thực của tuyên bố trên vẫn chưa được làm rõ nhưng thế giới đã đồng loạt lên án hành động dã man này.
Rõ ràng, chủ nghĩa khủng bố đã và đang gây những hiểm họa khó lường. Với hai vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Ô-xlô chưa thống kê được thiệt hại cuối cùng nhưng cho thấy chủ nghĩa khủng bố là một thách thức đang tỏ ra ngày càng nguy hiểm không chỉ với Mỹ và các đồng minh châu Âu mà còn với tất cả thế giới.
Thanh Lâm