CCB Lương Trọng Tuấn - người “khởi xướng” phong trào trồng rau má ở làng cổ Đông Sơn cách đây hơn 2 thập niên.

CCB Lương Trọng Tuấn, 61 tuổi, làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, T.P Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa - bệnh binh 72% đã trèo lên đồi C4 “khai quật” giống rau má cổ mang về trồng ở bãi bồi sông Mã. Sau hơn 2 thập niên thăng trầm với cây rau má, đến nay ông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.  

Phục hồi  “sâm của người xứ Thanh”

Gần 4 giờ sáng, khu cánh đồng rau má ở làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, T.P Thanh Hóa nhiều hộ đã bật đèn pin thu hoạch. Mọi người tất bật với tay liềm, tay giỏ cắt từng mớ rau má xanh ngát, non mơn mởn.

CCB Lương Trọng Tuấn ì ạch với sọt rau mà đầy ắp, gom lại thành đống,  kể với tôi về cơ duyên đến với cây rau má. Cách đây hơn 20 năm, một người trong làng từ trong Nam về thăm quê cho hay, ở miền Tây đặc biệt là tỉnh Long An,  rau má là món ăn hằng ngày, nhưng rau không giòn, thơm, ngon như ở ngoài miền Bắc.

CCB Lương Trọng Tuấn và vợ thu hoạch rau mang bán ở chợ đầu mối.

Thế là ông Tuấn “khởi nghiệp” với chính loại cây trồng này? Nghĩ là làm, ông bàn với vợ phá luôn một sào cây hoa đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch để trồng rau má; lấy đúng giống rau má tía, loại mọc dại, thân và lá nhỏ hơn các giống rau lai khác nhưng rất thơm, đậm vị và giàu “tính dược” như các bài thuốc dân gian.

Không quản mưa nắng, ngày ngày ông Tuấn trèo lên ngọn đồi C4 - nơi đặt trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng những năm 1965, dùng liềm bấng từng cụm rau má mang về ruộng trồng. Rau má cổ, dây nhỏ hơn nhưng củ to hơn và sức sống dẻo dai hơn cây màu trắng, rất hợp với đất bãi bồi, nên chỉ sau vài tuần xuống giống, có những cụm rau đã bắt đầu đâm chồi.

Ban đầu, thấy ông Tuấn phá hoa trồng rau má, ai cũng bảo ông ấy gở, gàn. Vì cây rau má ở Thanh Hóa mọc đầy bờ ruộng, bờ đường chẳng ai buồn ăn. Trong khi trồng hoa đang cho thu nhập cao ngất ngưỡng. Ấy rồi bà con làng cổ ngỡ ngàng khi năm 2002 vợ chồng ông Tuấn bán rau má ở chợ từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Hai, ba buổi đi chợ, ông Tuấn cũng dành dụm mua được 1 chỉ vàng.

Nỗi lo thị trường...

Rau má “tía” hay còn có tên gọi khác là rau má cổ được ông Tuấn chọn để “khởi nghiệp” từ 20 năm trước.

Nhận thấy nguồn thu nhập từ rau má mang lại khá tốt, ông Tuấn càng quyết tâm làm giàu hơn từ giống cây này, ông mở rộng diện tích lên 4 sào. Ngoài ra, ông còn thuê thêm đất của bà con để tiếp tục mở rộng vườn rau má của gia đình. Thu nhập từ rau má cũng tăng lên.

“Trồng rau má thời điểm bấy giờ như vớ được vàng. Thu nhập cả trăm triệu đồng ở mỗi sào rau má. Kinh tế gia đình cũng được đảm bảo, tiền học đại học của 2 con gái và tiền chữa bệnh cho con trai vì thế được đảm bảo” - ông Tuấn tâm sự.

Nhìn thấy hiệu quả từ việc trồng rau má của gia đình ông Tuấn, bà con lối xóm cũng đến học tập kinh nghiệm và theo trồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả cánh đồng bãi bồi ven sông Mã đã phủ một màu xanh rau má bát ngàn. Ban đầu rau má bán rất chạy, có thời điểm không có rau bán, thu nhập của bà con trong làng cổ cũng vì thế được tăng lên. Nhưng sau sụt giá, có thời điểm chỉ còn 8-10 nghìn đồng/kg rau má tươi, thậm chí còn ế, bà con trong làng chẳng buồn làm cỏ, thu hoạch, đành bỏ ruộng hoang. Riêng ông Tuấn vẫn kiên trì. Một lần nữa, ông lại chọn lối đi riêng - tìm phương thức vừa bán hàng trên mạng, vừa kết nối những người trồng rau má ở các miền. Một lần nữa, rau má xứ Thanh lại “Nam tiến”, dân làng thấy thế lại theo ông trồng lại. Ông giúp...  Thời đỉnh điểm, rau má có giá đến 70 nghìn đồng/kg, nhiều chuyến không đủ rau để bán, gia đình phải thu mua lại rau của bà con trong làng. Cứ như thế rau má  làng cổ có đến đâu, hết đến đấy.

Hiện nay, có hàng chục hộ dân trong làng cổ đang trồng rau má để xuất bán vào Nam. Nhà ít thì 1 sào, nhà nhiều như gia đình ông Tuấn thì có 4 sào. Công việc trồng rau má khá tất bật,  như nhổ cỏ, bón phân, tưới nước… Mỗi sào rau má, 1 năm cho thu hoạch 10 lần. Nếu chăm sóc tốt, sản lượng  mỗi sào có thể đạt 5 tạ, giá bán trung bình từ 20.000 đến30.000 đồng/kg. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi năm ông Tuấn thu nhập gần 200 triệu đồng/4 sào.

Ông Nguyễn Văn Vệ - Trưởng làng cổ Đông Sơn cho biết: Hiện trong làng có 22 hộ trồng rau má với diện tích gần 2ha, đang cho thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng, nhưng chưa có đầu ra ổn định. Các hộ dân kiến nghị lên phường và thành phố để tìm hướng đi bền vững cho cây rau má.

Trường Xuân