(Phi công Hà Văn Chúc một mình đương đầu 36 máy bay Mỹ, bắn hạ F-105)

Trận không chiến ngày 3-1-1968 là trận đánh mở đầu năm 1968 của Không quân nhân dân Việt Nam, một trận đánh vô cùng ác liệt có ý nghĩa rất quan trọng.

Ngay từ sáng sớm ngày 3-1-1968, không quân Mỹ đã sử dụng gần 80 lần/chiếc F-105 và F-4 vào đánh Hà Nội. Bộ Tư lệnh Không quân quyết định cho 2 Trung đoàn (921 và 923) xuất kích. Trung đoàn 921 (chủ trì kíp trực là Trung đoàn phó Trần Hanh) lệnh cho biên đội 2 chiếc MiG-21, gồm Nguyễn Đăng Kính (số 1 - máy bay số 18), Bùi Đức Nhu (số 2 - máy bay số 30) cất cánh từ sân bay Nội Bài lúc 7 giờ 33 phút.

Được Sở chỉ huy dẫn đường (sĩ quan dẫn đường Phạm Minh Cậy), biên đội MiG-21 bay về hướng Thanh Sơn, Vĩnh Phú, thì phát hiện một tốp F-4. Ngay lúc đó, số 1 Nguyễn Đăng Kính phát hiện ở phía trước tốp F-4 có một tốp F-105 và lập tức quyết định vượt qua đội hình tốp F-4, tiếp cận tốp F-105 mang bom. Nguyễn Đăng Kính nhanh chóng tiếp cận một chiếc F-105 ở giữa tốp. Khi mục tiêu lọt vào vòng ngắm, anh ấn nút phóng tên lửa, bắn cháy chiếc F-105. Thấy đồng bọn trúng tên lửa của MiG, cả tốp F-105 rối loạn, vội quăng bom để tháo chạy. Ngay lúc đó, số 2 Bùi Đức Nhu cũng bám một chiếc F-105 ở cư ly gần, lao vào công kích và bắn hạ chiếc F-105 này. Đội hình máy bay cường kích của địch hoàn toàn tan rã. Biên đội MiG-21 được lệnh thoát ly về hạ cánh ở sân bay Kép. Khi hạ cánh, một chiếc lao ra khỏi đường băng.

Bốn phút sau khi máy bay Trung đoàn 921 cất cánh, Trung đoàn 923 cũng cho biên đội 4 chiếc MiG-17 (gồm Lưu Huy Chao, Lê Sĩ Diệp, Bùi Văn Sưu, Lê Hải) cất cánh từ sân bay Gia Lâm, và được dẫn lên công kích đội hình máy bay địch ở vùng trời Nhã Nam, Bắc Giang. Tại đây, số 1 Lưu Huy Chao bắn cháy 1 F-4, nhưng máy bay số 1 cũng dính mảnh tên lửa, bị thương nhẹ; máy bay số 2 bị trúng tên lửa của địch, Lê Sĩ Diệp kịp nhảy dù; số 3 Bùi Văn Sưu bắn cháy 1 F-4D, còn số 4 Lê Hải ba lần công kích địch, nhưng đạn không trúng mục tiêu.

Với Trung đoàn 921, sau trận đánh buổi sáng ngày 3-1, do 1 chiếc MiG-21 hạ cánh tại sân bay Kép lao ra khỏi đường băng, lực lượng trực chiến chỉ còn 1 chiếc MiG-21, nhưng Chỉ huy trung đoàn vẫn quyết định đưa máy bay ra trực chiến, với tinh thần “Còn một người, một máy bay vẫn chiến đấu”.

Lúc 13 giờ, đội hình lớn gồm 36 chiếc máy bay địch từ hướng Yên Châu (Sơn La) bay vào Hà Nội. Chỉ huy trung đoàn quyết định cho Hà Văn Chúc sử dụng chiếc MiG-21 duy nhất còn lại xuất kích sớm để cản địch. Đến khu vực Yên Châu, Hà Văn Chúc phát hiện ba tốp máy bay địch bay theo đội hình hàng dọc. Đây là tốp F-105 bay nhiệm vụ cường kích, được các máy bay F-4D yểm hộ vào đánh phá đoạn đường sắt Kinh Nỗ (Đông Anh, Hà Nội). Khi Hà Văn Chúc báo cáo xin vào công kích tốp F-105, thì bất ngờ tốp F-4 bay yểm hộ phía sau phát hiện MiG và bắt đầu vòng phải. Mặc dù Chỉ huy trung đoàn quyết định cho Chúc vòng phải, nhưng Sở chỉ huy Quân chủng đã chỉ huy vượt cấp, cho Chúc tiếp tục bay thẳng và lao trực tiếp vào đội hình 36 chiếc F-105 đang bay phía trước.

Do MiG-21 của Chúc cất cánh sớm hơn quy định, đã tích lũy tốc độ lớn hơn các máy bay F-105, anh nhanh chóng vượt qua hai tốp bám sau, bám theo tốp đầu và đặt điểm ngắm vào chiếc F-105 số 1. Đến cự ly 1.000m, anh ấn nút phóng tên lửa, chiếc F-105 dẫn đẫu bị trúng tên lửa R-3S của Chúc, bốc cháy, rơi tại chỗ. Các máy bay F-105 khác vội vàng vứt bom đạn để quay sang đối phó với MiG.

Theo tư liệu sau này xác minh được, thì chiếc F-105 bị phi công Hà Văn Chúc bắn rơi do Đại tá James Ellis Bean, thuộc Phi đoàn 469, Không đoàn 388 Korat điều khiển. Đại tá James Ellis Bean là Không đoàn phó phụ trách tác chiến của Không đoàn 388; khi máy bay trúng tên lửa của MiG, ông kịp nhảy dù và đã bị bắt

Đội hình F-105 tan rã; Hà Văn Chúc bật tăng lực toàn phần, tăng độ cao, nhanh chóng thoát ly về hạ cánh an toàn. Trận thắng của Hà Văn Chúc rất có ý nghĩa, cho thấy trong điều kiện hết sức khó khăn, chỉ có 1 chiếc MiG cất cánh để đối phó với lực lượng địch rất đông, nhưng đã cất cánh sớm, tích lũy tốc độ, chiếm lĩnh vị trí chính xác, bay vượt lên lưng toàn bộ đội hình hàng dọc của máy bay địch và bổ nhào bắn rơi chiếc dẫn đầu.

Thượng úy phi công Hà Văn Chúc sinh năm 1938 tại xã Hải Lưu, Lập Thạch, Phú Thọ; là phi công học bay MiG-21 tại Liên Xô, tốt nghiệp về nước năm 1966. Sau trận đánh bắn hạ máy bay của Đại tá Jeam Ellis Bean, cản phá thành công đợt đánh phá lớn của không quân Mỹ vào Hà Nội, ngày 14-1-1968, phi công Hà Văn Chúc bắn rơi thêm 1 chiếc F-105 của Mỹ trên bầu trời Thanh Sơn, Vĩnh Phú. Nhưng trong trận này, máy bay của Hà Văn Chúc trúng tên lửa, anh nhảy dù, nhưng bị thương; mặc dù đã được đưa về cấp cứu tại Quân y viện 108, nhưng không qua khỏi, hy sinh ngày 19-1-1968. Thượng úy phi công Hà Văn Chúc được truy tặng Anh hùng LLVTND ngày 30-8-1995.

Việt Hưng

Theo “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía”.