Trả lời: Quyền đối với họ, tên; quyền thay đổi họ, tên là quyền dân sự cơ bản gắn liền với nhân thân của mỗi cá nhân. Việc xác lập họ, tên là rất quan trọng và gắn liền với chủ thể đó suốt đời. Họ, tên không đơn thuần là yếu tố về mặt nhân thân mà nó còn là yếu tố pháp lý quan trọng để cá nhân xác lập, thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý nhân danh mình. Chính vì vậy họ, tên của một người cần phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Các quy định về quyền thay đổi họ, tên của mỗi cá nhân được ghi ở điều 27 Bộ Luật Dân sự năm 2005 như sau:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
a/ Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ tên gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b/ Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi, hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c/ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d/ Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ mẹ hoặc ngược lại;
đ/ Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e/ Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;
g/ Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ tên cũ.”
Văn phòng trợ giúp pháp lý