Mở Đại sứ quán Việt  Nam tại Hy Lạp năm 2010 

Quan hệ Việt Nam và Hy Lạp có phát triển vượt bậc trong hai năm qua, khi hai bên liên tiếp trao đổi đoàn cấp cao. Trong các chuyến thăm, hai bên đã ký các Hiệp định về hợp tác du lịch, Hiệp định hợp tác văn hóa, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Chuyến thăm là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy triển khai các hiệp định, thỏa thuận đó.

Hiện Việt Nam và Hy Lạp còn nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, xây dựng, du lịch, đóng tàu, vận tải biển… Tàu biển là lĩnh vực hoạt động năng động nhất trong nền kinh tế Hy Lạp, kiểm soát 25% thương mại toàn cầu.

Tại cuộc hội đàm vừa qua, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đề nghị Hy Lạp, với tư cách là thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Việt Nam quan hệ với EU, trong đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA), thực hiện chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển quan hệ hai nước, Việt Nam sẽ mở Đại sứ quán tại Hy Lạp vào năm 2010.

Hợp tác đi vào chiều sâu 

Chuyến thăm Ru-ma-ni của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm trong bối cảnh Việt Nam - Ru-ma-ni đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (3-2-1950 - 3-2-2010). Hiệp định hợp tác kinh tế, bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao là kết quả cụ thể của chuyến đi này. Tại các cuộc gặp, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hơn nữa hợp tác truyền thống trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, lao động... Chính phủ Ru-ma-ni cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng Việt Nam ổn định cư trú, kinh doanh lâu dài để làm cầu nối hiệu quả cho quan hệ hai nước. Hiện cộng đồng người Việt Nam ở Ru-ma-ni có khoảng 1.000 người. Hai bên đang xem xét ký Hiệp định khung về hợp tác lao động, đây là lĩnh vực hợp tác mới của hai nước. Ngoài ra, hoạt động của những cơ chế khác sẽ được phòng thương mại và công nghiệp, qua trung tâm hội chợ triển lãm và giữa chính quyền các địa phương thỏa thuận, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Những mối quan hệ truyền thống và những kinh nghiệm đã thu được trong 6 thập kỷ qua đã bổ sung cho hai nền kinh tế, cũng như loại trừ những phức tạp trong quan hệ hai nước. Việc 3.000 sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học của Ru-ma-ni là tiềm năng đáng kể đóng góp cho sự đoàn kết, củng cố quan hệ và phát huy cao độ mối quan hệ hợp tác, tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ nhau giữa Việt Nam và Ru-ma-ni.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Tiếp theo chuyến thăm Ru-ma-ni là chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư từ nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, (GDP đầu người khoảng 10.000 USD). Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phát triển khá nhanh, ổn định; năm 2008 đạt 798,9 tỷ USD, tăng 4,5%. Đất nước nằm giữa hai châu lục á - Âu này có diện tích trên 800.000km2, với dân số khoảng 70 triệu người và là thị trường lớn của các mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủ công mỹ nghệ. Mỗi năm nước này nhập khẩu các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ với trị giá khoảng 700 triệu USD và chiếm tỷ trọng khoảng 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặt khác, chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần này của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt khi cả hai nước đều là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuấn Minh