Tôi ở nông thôn, ra thành phố học hành rồi lập nghiệp. Mỗi năm vài lần, tôi về thăm quê. Vào những dịp đó, những bữa cơm gặp gỡ gia đình thật vui và ấm cúng. Nhưng, "ấn tượng" nhất và cũng buồn nhất là sau vài ngụm rượu, mấy ông cháu choai choai, vừa thoát li tập tọe làm nghề, tranh nhau chê bai thiên hạ từ ông bạn hàng xóm cho đến cấp trung ương. Chỉ đến khi anh tôi lấy " quyền huynh thế phụ" quát: Chúng mày chỉ là "thánh" phán, chỉ giỏi chê người ta, còn mình thì làm như mèo mửa... đám "doanh nghiệp trẻ" này mới chịu im.
Trước đây, có thời kỳ tôi được tổ chức giao phụ trách nội dung một tờ tạp chí (cỡ kha khá). Cứ mỗi kỳ Hội đồng biên tập thông qua nội dung, thế nào tôi cũng nghe một vị lãnh đạo phán: Số này bài vở chẳng xứng tầm, những bài “đinh” viết chưa tới...v.v... Cùng cơ quan làm nghề chữ nghĩa với nhau hơn chục năm, biết khả năng đọc và viết của vị này, nên khi nghe ông phán đến lần thứ ba, buộc lòng tôi phải: Thưa, anh cho biết cái tầm của bài này cao đến đâu thì được, năm hay bảy mét? Hay như "Tây Nguyên bất khuất cao cao" mà vừa rồi anh gửi công văn cho Ủy ban tỉnh Plây Cu? (ông ta nhầm tỉnh Gia Lai thành tỉnh Plây Cu). Biết tôi "lấy độc trị độc", ông ta thù tôi dài dài...
Chủ nhật vừa rồi, có dịp được hầu chuyện mấy vị chức sắc nghỉ hưu, lại được chứng kiến bài ca muôn thuở: "Đất nước mình không khá được, ngót ba chục năm đổi mới rồi mà nông nghiệp vẫn manh mún, công nghiệp chỉ gia công...". Nhưng tôi biết cái vị nói hay này, thời là "quan" đầu tỉnh, có được tấm bằng Tiến sĩ cũng nhờ nhân viên làm...
Quả là chẳng phải chỉ góc bếp nhà tôi, mà từ nhà ra ngõ, từ quê ra phồ, đâu đâu ta cũng bắt gặp "thánh" phán đủ kiểu. Từ quán bia "bụi" - nơi mà người ta chê bai nhau sướng miệng rồi phủi mông đi, chẳng cần biết ai là ai, đến công sở - nơi mà người ta hiểu chân tơ kẽ tóc của nhau..., vẫn xem trời bằng vung, mình là nhất khoảnh; chê ráo!
Cha ông mình xưa thường nói "Kiến dĩ, tác nan" - Nói dễ, làm khó. Tôi cho rằng nói cho đúng không phải dễ, nhưng dẫu sao cũng dễ hơn làm. Đành rằng, là người có trách nhiệm với xã hội, người ta có quyền đòi hỏi những người đứng mũi chịu sào một đơn vị, Bộ-ngành, một quốc gia phải có tâm, có tầm... nhưng đòi hỏi không đồng nghĩa với chê bai, phán bừa. Từ chuyện "thánh" phán là mấy ông cháu của mình, nhìn rộng ra, mới thấy ngươi Việt ta thường dành cho mình quyền phán xét quá lớn.
Cũng trước đây, tôi có dịp được tiếp xúc bản thảo cuốn tự truyện của ông Nguyễn Cao Kỳ (nguyên Thủ tướng, Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đến bây giờ ông Kỳ đã mất, nhưng cuốn tự truyện đó vẫn chưa thấy được xuất bản). Trong cuốn tự truyện của mình, ông Cao Kỳ có viết: Sau bao nhiêu năm sống gửi ở đất người, trở về chứng kiến thành quả công cuộc đổi mới đất nước, ông khẳng định chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới lãnh đạo Dân tộc làm được như vậy. Những đảng phái lưu vong, những vị này vị kia chỉ như đám ruồi nhặng vo ve, chỉ phán bừa vậy thôi, chẳng làm nên trò trống gì đâu...
Điều có thể như là sự "sám hối" của ông Kỳ cũng nên dành cho nhiều người suy ngẫm: Chê người thì dễ, mình làm sao đây!
HƯNG NGUYỄN