Lỗ hổng lớn nhất lại thuộc về trách nhiệm của cơ quan chủ quản - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước những phản ứng của dư luận về việc cấp phép “nhận chìm vật chất”, đại diện Bộ này đã thanh minh rằng, tuy Bộ đã cấp phép nhưng “Chúng tôi đang bàn với Viện Hàn lâm khoa học đánh giá lại một lần nữa" hoặc “Viện Hải dương học cần khảo sát lại vùng biển đó mới có thể xem xét việc giao biển hay không”...
Thật khó hiểu! Từ xưa đến nay, nơi cửa quan “bút sa gà chết”, giấy phép “nhận chìm vật chất” đã đóng dấu đỏ rồi mà những người đại diện cho quốc gia quản lý công việc rất quan trọng này lại phát ngôn như vậy thì người dân biết đặt niềm tin vào đâu?
Quy trình để một doanh nghiệp xả thải ra môi trường hay “nhận chìm vật chất” như trong trường hợp này là doanh nghiệp-chủ đầu tư phải lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường trình ra cơ quan chức năng theo phân cấp.
Như vụ việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ sử dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia của mình thẩm định, thấy “OK” thì mới làm thủ tục cấp phép.
Theo lẽ thường, giờ này “1 triệu mét khối vật chất” đã đang dần bị nhận chìm xuống khu vực biển Hòn Cau, nếu không có sự phản biện đầy trách nhiệm từ nhiều cá nhân, tập thể.
Xem ra, với cách giải thích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phong cách cấp phép của Bộ là cấp phép cứ cấp, nhưng doanh nghiệp hẵng từ từ hãy làm, để xem dư luận phản ứng thế nào đã...
Cấp phép như thế là “ngược quy trình”, hay nói như trẻ con là “trò ăn gian”. Bộ chủ quản mà còn làm như thế, thảo nào doanh nghiệp (Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1) đã “sáng chế” ra một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường với tác giả là một số nhà khoa học có tên tuổi. Khi sự việc vỡ lở, các nhà khoa học “ngã bổ chửng” khi thấy tên mình trong bản báo cáo (vì họ không hề tham gia) đã lên tiếng thì doanh nghiệp trí trá giải thích rằng, đó là “lỗi đánh máy”.
Chà chà, thời nay, cứ tưởng máy tính sẽ làm đúng quy trình, nào ngờ máy tính cũng mắc lỗi “ngược quy trình”!
NGUYỄN HỒNG