Ngày 22-10-2015, Đại biểu Phan Văn Quý-Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Chủ tịch nước về việc Đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (AHLLVTND) cho một số đồng chí cán bộ cao cấp của Bộ đội Trường Sơn. PV Báo CCB Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Toàn-Văn phòng Luật sư DOHA, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này.
PV: Thưa luật sư, hiện nay, việc xét tặng, truy tặng danh hiệu “AHLLVTND” được áp dụng đối với các đối tượng nào?
Luật sư Nguyễn Thị Toàn: “AHLLVTND” là danh hiệu vinh dự nhà nước, để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, cá nhân được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “AHLLVTND”, hay tập thể được xét tặng danh hiệu này phải đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 60 Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 30, Điều 1 của Luật số 39/2013/QH13).

PV: Vừa qua, Đại biểu Phan Văn Quý-Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có văn bản đề nghị Chủ tịch nước xem xét tặng, truy tặng danh hiệu “AHLLVTND” cho một số đồng chí cán bộ cao cấp của Bộ đội Trường Sơn, trong đó có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên-nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Theo đại biểu Phan Văn Quý, trước đó có ý kiến cho rằng, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã được tặng Huân chương Sao Vàng nên không xét tặng danh hiệu “AHLLVTND” nữa. Xin luật sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Thị Toàn: Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng, không có quy định nào nói rằng đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng thì không được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Theo quy định, Huân chương (trong đó có Huân chương Sao Vàng) để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công trạng, lập được thành tích, hoặc có quá trình cống hiến trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Còn Danh hiệu vinh dự nhà nước (trong đó có danh hiệu “AHLLVTND”) để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, có thể thấy rõ hai hình thức khen thưởng này là độc lập với nhau. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn để xét tặng hoặc truy tặng Huân chương sao Vàng hay xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “AHLLVTND” cho cá nhân cũng khác nhau.
Tôi được biết, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên được tặng Huân chương Sao Vàng năm 2007 vì đã tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, hoạt động liên tục, có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đã đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng . Tuy nhiên, những thành tích đạt được trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của ông trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hay những sáng kiến, giải pháp, chiến thuật trong thực tiễn hoạt động quân sự của ông cũng như một số đồng chí cán bộ cao cấp khác của Bộ đội Trường Sơn chưa được đề nghị tặng thưởng kịp thời. Vì vậy, tôi cho rằng đề nghị của Đại biểu Phan Văn Quý về việc tặng, truy tặng danh hiệu “AHLLVTND” cho một số đồng chí cán bộ cao cấp của Bộ đội Trường Sơn, trong đó có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, là hoàn toàn có cơ sở.

PV: Vậy thông lệ quốc tế về vấn đề này thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thị Toàn: Chúng ta có thể tham khảo ở Liên Xô. Danh hiệu “Anh hùng Liên bang Xô viết” (gọi tắt là “Anh hùng Liên Xô”) là danh hiệu vinh dự cao nhất của Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao của Liên Xô trao tặng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu cho Liên bang Xô viết. Còn Huân chương Sao Vàng được trao tặng cho những cá nhân hoặc tập thể có nhiều thành tích cống hiến cho USSR hoặc đoàn thể XHCN.
Nguyên soái G. K. Zhukov của Liên Xô là một trong những nhà cầm quân lỗi lạc của nền quân sự Xô viết. Trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên bang Xô viết, ông đã giữ các chức vụ Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân Tây, Tư lệnh Phương diện quân Beloussia 1, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Bộ dân ủy Quốc phòng kiêm Phó tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong giai đoạn sau chiến tranh, ông từng giữ các chức vụ như: Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên Xô, Ủy viên TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô… Ông được Liên bang Xô viết tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Lênin, Huân chương Chiến thắng, Huân chương Cách mạng tháng Mười, Huân chương Cờ Đỏ… trong đó 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì những thành tích ông đạt được trong lĩnh vực quân sự.
Vì vậy, việc xem xét thành tích trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu để tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND” cho Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và một số đồng chí cán bộ cao cấp của Bộ đội Trường Sơn là hoàn toàn xứng đáng và cũng phù hợp với thông lệ của quốc tế.

PV: Theo quy định hiện hành, việc tặng hoặc truy tặng danh hiệu “AHLLVTND” thuộc thẩm quyền của ai và hồ sơ như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Toàn: Hiện nay, thẩm quyền quyết định tặng thưởng và trao tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật Thi đua, Khen thưởng. Theo đó, Chủ tịch nước là người có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu vinh dự nhà nước.
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu này sẽ thực hiện theo Khoản 3 Điều 63 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 (đã được sửa đổi tại Khoản 23, Điều 1 Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27-4-2012).

PV: Xin cảm ơn LS về cuộc trao đổi!
PV (thực hiện)