Sáng 9/11, Quốc hội đã làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tạm giữ, tạm giam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu đã góp ý vào những nội dung cụ thể của dự thảo Luật như tên gọi của dự án Luật; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam...

Về tên gọi của dự án Luật, nhiều đại biểu đề nghị lấy tên là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, tránh việc hiểu luật này điều chỉnh cả các nội dung về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ tên gọi như dự án là Luật Tạm giữ, tạm giam.

Góp ý về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật chỉ nên quy định các quyền cơ bản của người bị tạm giữ, tạm giam, còn những quyền đang được điều chỉnh bởi các luật khác không quy định vào dự thảo Luật để bảo đảm tính linh hoạt và tránh trùng lặp.

Có ý kiến đề nghị, chỉ quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bị hạn chế vào dự án Luật, các quyền khác không bị hạn chế thì họ được hưởng theo quy định của pháp luật có liên quan. Có ​ý kiến đề nghị quy định rõ người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng những quyền gì và bị hạn chế quyền gì...

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh.
PV