Người Việt Nam ta có chung một đạo thờ cúng ông bà, có chung một Tiên tổ, một miền đất để nhớ, để thương:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Ngược theo dòng lịch sử, ngày Giỗ Tổ đã được các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây ghi nhận trong nhiều văn bản. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông (đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm) để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ - Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn - Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đặt ở Đền Thượng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
Mùa xuân năm 1941, khi từ nước ngoài trở về Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết những vần thơ thể hiện tinh thần yêu nước, khẳng định truyền thống lịch sử của dân tộc trong bài “Lịch sử nước ta”:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn nghìn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa.
Hồng Bàng là Tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ Lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm kháng chiến thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân 308 Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày Giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ Đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.
Rất đỗi tự hào, ngày 24-11-2011, Hát Xoan được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tháng 12-2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”. Có thể nói rằng, khi các di sản văn hóa được UNESCO công nhận, chúng ta thêm có điều kiện bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa Di sản cho muôn vàn thế hệ sau. Theo Bộ VHTTDL, cả nước tính đến nay, có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm quy tụ tâm linh của người Việt, hướng người Việt về nguồn gốc chung, để tạo nên sự đoàn kết, sự gắn bó của dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử nước ta, sự gắn bó, đoàn kết đó, sự quy tụ đó luôn luôn là sức mạnh dân tộc làm nên mọi chiến thắng, làm rạng danh con người, làm rạng danh đất nước Việt Nam.
Nguyễn Văn Thanh