Dự thảo Luật Tố tụng hành chính trình Quốc hội gồm 17 Chương và 264 Điều quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính, bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, trình tự thủ tục khởi kiện và giải quyết vụ án hành chính…

***Còn ý kiến khác nhau vềdự thảo Luật Tố tụng hành chính ***

Thảo luận về các Điều, Khoản trong dự thảo Luật này, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung: Khởi kiện vụ án hành chính; phát biểu của kiểm sát viên tại phiên toà; phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm; cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (NDTC); yêu cầu thi hành án hành chính và vấn đề quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; việc bổ sung điều 262 của dự thảo Luật này để sửa đổi điều 136 và Điều 138 của Luật Đất đai để giải quyết vấn đề không thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo và Pháp lệnh giải quyết những vụ án hành chính trong việc giải quyết những vấn đề khiếu nại, khởi kiện về đất đai.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điều 228 và Khoản 1, Điều 237 quy định: Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án NDTC vì đây là cơ chế đặc biệt, sửa sai quyết định bản án của Toà án liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước, có đối tượng là quyết định hay quy định hành chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ trong việc bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ và các cơ quan Chính phủ ban hành, trong đó có các quyết định hành chính.

Bên cạnh đó, theo quy định của Khoản 2, Điều 229 và Khoản 2, Điều 238, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trong thành phần phiên họp của Hội đồng thẩm phán để xem xét lại quyết định của Hội đồng này. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn là người lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính theo quy định của khoản 2, điều 244 dự án Luật này. Trên cương vị đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có điều kiện tiếp cận với bản án, quyết định của Toà án. Khi phát hiện có sai lầm thì Bộ trưởng có thể kiến nghị ngay mà không cần phải thông qua Chánh án Toà án NDTC, hoặc đề nghị với Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC. Quy định này cũng đảm bảo cho người dân có thêm một địa chỉ gửi đơn thư trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về quy định phát biểu của kiểm sát viên, đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, nếu dự thảo Luật không quy định cụ thể về nội dung phát biểu của kiểm sát viên sẽ dẫn đến tình trạng kiểm sát viên khi tham gia phiên toà thiếu căn cứ đề nêu quan điểm cụ thể về đường lối giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện. Trong trường hợp đã có kháng cáo, kháng nghị hoặc khiếu nại thì việc xem xét vụ án ở trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm sẽ gặp khó khăn.

Đại biểu đề nghị, dự thảo cần quy định cụ thể về nội dung phát biểu của Viện Kiểm sát tại phát biểu trong phiên toà hành chính là nội dung gì? Chỉ là tố tụng và nội dung hay chỉ phát biểu về tố tụng? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, kiểm sát viên tại phiên toà nên phát biểu cả về phần nội dung.

Trái với các ý kiến trên, đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) lại cho rằng, Điều 161 quy định về phát biểu của kiểm sát viên: “Tại phiên toà sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ nên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của người thi hành tố tụng, người tham gia tố tụng, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án” là hợp lý.

Đại biểu cho rằng, kiểm sát viên không nên phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án. Quy định như vậy sẽ phù hợp với vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm tính độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử cũng như tính khách quan của phiên toà.

Tại phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm sát viên có thể phát biểu cả về nội dung vụ án và việc tuân theo pháp luật của người thi hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Việc phát biểu của kiểm sát viên lúc này một mặt để kiểm sát hoạt động tư pháp, mặt khác nhằm bảo vệ quyết định kháng nghị trong trường hợp Viện Kiểm sát có kháng nghị.

Về việc phân định thẩm quyền giữa các cấp Toà án, đại biểu Võ Thị Thuý Loan (đoàn Tiền Giang) cho rằng: Dự thảo Luật không có khoản nào quy định rõ thẩm quyền của Toà án NDTC mà chỉ quy định thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh, huyện. Điều này sẽ gây ra sự hiểu lầm cho người đọc, mặc dù trong giới luật học vẫn biết thẩm quyền đó của Toà án NDTC, nhưng đối với người dân khi đọc luật sẽ thấy trong toàn văn Luật này không có điều khoản nào quy định thẩm quyền của Toà án NDTC. Do vậy, Luật nên có khoản chỉ rõ, Toà án NDTC không chỉ là cấp phúc thẩm, mà còn là cấp giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định giải quyết vụ án hành chính của các toà án nhân dân các cấp.

Về chức năng quản lý Nhà nước trong việc thi hành án, đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi) cũng đồng ý với nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nên giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về thi hành án, giao cho cơ quan thi hành án cấp trên giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện

***Nâng cao tính độc lập của cơ quan thanh tra ***

Chiều cùng ngày, các ĐB Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Thanh tra nhằm nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra theo hướng mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên có 3 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này: thứ nhất, thanh tra là công cụ quản lý nhà nước, cho nên cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng cơ quan tham mưu, giúp việc và phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước; thứ hai, để phát huy hiệu lực, hiệu quả thanh tra thì cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng đảm bảo tính độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Còn loạt ý kiến thứ ba cho rằng, cơ quan thanh tra cần được tổ chức theo hướng gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết( Thanh Hóa), thanh tra được xem như “cái phanh” của bộ máy nên tính độc lập cao thì thanh tra mới đạt hiệu quả.

Theo nhiều ĐB, đây là vấn đề lớn, cần có thời gian nghiên cứu kỹ và nếu sửa luật phải đảm bảo ổn định không xáo trộn. Nhiều ĐB đồng ý trước mắt, thanh tra gắn với cơ quan quản lý nhà nước nhưng phải quy định nhiệm vụ cụ thể rõ ràng và chú ý đến chất lượngthanh tra.

Liên quan tới thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan thuộc bộ được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (mục 6 chương II) cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Một số ĐB cho rằng không nên tổ chức cơ quan thanh tra ở tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở mà chỉ giao cho chính các cơ quan này tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, thực hiện cả nhiêm vụ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên thực tế cho thấy tại nhiều bộ, bên cạnh tranh tra bộ còn lập thanh tra chuyên ngành ở một số Tổng cục, cục thuộc Bộ...

Việc tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số tổng cục, cục thuộc bộ và chi cục thuộc sở một mặt đáp ứng được nhu cầu trong quản lý nhà nước, mặt khác cũng là để từng bước lập lại trật tự trong việc tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều ĐB phương án này có nhược điểm chưa xác định cụ thể tiêu chí nào để một tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở được thành lập thanh tra chuyên ngành nên việc áp dụng trên thực tế khó thống nhất, không chặt chẽ và dễ dẫn tới tình trạng lập tràn lan các cơ quan này. Do đó, không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính theo hướng gọn nhẹ.

Trường hợp giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp thực hiện được nhiều ĐB cho là có nhiều điểm hợp lý hơn, bởi để nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước thì hoạt động thanh tra phải được tiến hành kịp thời, chủ động, hoạt động thanh tra chuyên ngành phải có tính chuyên môn sâu.

Do đó hoạt động này nên giao cho chính những cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong những cơ quan này trực tiếp thực hiện thanh tra và quyết định xử lý vi pham thì sẽ kịp thời, hiệu quả hơn là việc thành lập riêng một bộ phận để chuyên làm công tác thanh tra. Quy định này vừa bảo đảm được cả về số lượng và chất lượng thanh tra chuyên ngành.

THANH LÂM