Đúng, sai Tòa sẽ quyết, nhưng việc dư luận lên tiếng bênh vực người này, phê phán người kia là chuyện hết sức bình thường, nếu như không muốn nói là cần thiết. Nhất là Đại biểu Quốc hội thì lại càng cần phải lên tiếng, chứ “ngậm miệng” đúng không bảo vệ, sai không phê phán thì còn nói gì là đại diện cho tiếng nói của nhân dân?
Điều đó thì ai cũng biết. Thế nhưng lại có một vị đại biểu Quốc hội phát biểu thật lạc lõng. Vị này nói: “Những ngày qua các đại biểu đánh giá vụ án có dấu hiệu oan sai, tranh luận có tội hay không tội, trong khi tòa án đang xét xử là rất cảm tính” và vị ấy cho rằng “Phát ngôn như vậy không đem lại sự thuận lợi cho việc xét xử; là dẫn dắt dư luận”(!).
Rất mừng là ngay sau lời phát biểu của vị đó các đại biểu đã tranh luận lại rất thẳng thắn. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện Tim, Hà Nội nói: Tôi cho rằng cử tri, đội ngũ y - bác sĩ trong cả nước rất quan tâm tới sự minh bạch, khách quan và công tâm của phiên xử. Chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm mà họ không được giao trách nhiệm đó... Tôi mong rằng phiên xét xử này mang lại tiếng nói công minh, tiếng nói từ lương tri, công lý.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Quốc Tuấn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói: “Tôi chưa đề cập đến chuyện đúng hay sai, nhưng khi đại biểu nêu ý kiến là thể hiện quyền của người đại biểu nhân dân, chứ không phải là định hướng dư luận...”.
Còn nhiều đại biểu khác xin tranh luận, nhưng vấn đề đã rõ và dường như để bớt căng thẳng, người điều hành phiên thảo luận đã tạm dừng việc tranh luận về vấn đề đó và cho rằng các ý kiến của đại biểu và kiến nghị cử tri sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng quy định của pháp luật.
Cũng không phải bàn thêm nữa. Thiết nghĩ mỗi người trước khi nói phải “thuộc trách nhiệm của mình”, nhất là những vị được nhân dân bầu làm người đại biểu của mình.
Huy Thiêm