Những tháng đầu năm 2012, cơ quan Đại diện Báo CCB Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã nhận được rất nhiều thư, phản ảnh của CCB các nơi, nhất là CCB Sư đoàn BB9 anh hùng, về cuộc sống của các CCB còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà báo Đinh Phong, tác giả của bộ phim dài tập về “Sư đoàn BB9 anh hùng”, kể lại: Nhận được thư của chị Phạm Thị Nhật và các CCB Trung đoàn 16, hiện đang sống tại Ninh Bình, chúng tôi không cầm được nước mắt. Phạm Ngọc Chỉnh là con trai duy nhất của CCB Phạm Ngọc Lợi, nhưng đã xung phong vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và anh dũng hi sinh. Năm 1987, Báo QĐND đã đăng 4 kỳ về tấm gương chiến đấu của Phạm Ngọc Chỉnh, với tựa đề “Có một Ma-rét-xép” - tôn vinh anh như người anh hùng Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngôi nhà nhỏ để bàn thờ hai người lính đã rách nát, xiêu vẹo. Trời mưa, chị Nhật luôn phải chuyển các bát nhang để tránh bị thấm nước. Chị chỉ mong có một mái nhà kín đáo hơn, để che mưa, che nắng cho hai bát nhang thờ hai liệt sĩ… Đáng tiếc, huyện Gia Viễn và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình không hay biết gì về gia đình này.
Đầu năm 2012, Anh hùng LLVTND Lê Chiến Thắng, sống tại tỉnh Tây Ninh cũng đã gửi cho nhà báo Đinh Phong 5 bộ hồ sơ của CCB (còn hứa sẽ gửi tiếp 5 bộ nữa) có cuộc sống rất khó khăn, cần sự giúp đỡ. Đó chính là hồ sơ của CCB Sư đoàn 9, hiện đang sống tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Thư của các CCB Lê Văn Phương, ở xã Thái Bình, huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; Mai Văn Thuận, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Long An; Nguyễn Đức Sinh, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và nhiều lá thư khác của các CCB Sư đoàn BB9, mà Ban liên lạc truyền thống CCB Sư đoàn BB9 đã nhận và gửi về cơ quan đại diện Báo tại TP Hồ Chí Minh, phản ảnh về những hoàn cảnh khó khăn của CCB và cần sự giúp đỡ.
Trên đường đi công tác, thăm hỏi đồng đội hiện đang ở nhiều địa phương trên khắp đất nước, các CCB Sư đoàn BB9 đều phản ánh rằng: còn khá đông anh em CCB sống vất vả, khó khăn, chưa được giúp đỡ; ngày tết, ngày lễ ít được thăm hỏi...
Đọc những lá thư của CCB, cùng với lời tâm sự của những CCB Sư đoàn BB9 anh hùng, mới biết được rằng: ở nhiều nơi, các cấp ủy Đảng và chính quyền vẫn chưa có sự quan tâm thích đáng đối với các CCB nghèo - họ vừa là người đã đóng góp xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hiện nay họ lại là những người nghèo khó. Thành lập Quỹ “Vì người nghèo” và nhiều quỹ khác để lo cho dân, nhưng lại quên mất đối tượng trên. Trong khi ở rất nhiều địa phương có khi cấp phát các chế độ phụ cấp, ưu đãi cho những đối tượng không đúng thành phần được thụ hưởng, lại quên mất những đối tượng đáng được ưu tiên.
Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp chung của cả dân tộc. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế độ quan tâm đến các đối tượng có công với cách mạng. Nhưng nhiều CCB là những người đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, mà nhiều nơi vẫn còn phải sống cuộc sống khổ cực, là các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả Hội CCB ở cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm với những người đã đóng góp xương máu cho Tổ quốc.
Chú ý thích đáng và công bằng với những người có công - mà đặc biệt là CCB còn nghèo khổ - cũng là một nội dung đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên ở cơ sở, trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực tốt Nghị quyết T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Vũ Thái