Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chủ lực bảo vệ Tổ quốc; Quân đội đã hoàn thành sứ mệnh của mình là cùng toàn dân đánh bại đế quốc Pháp và Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Lào, Campuchia và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Quân phục, quân hiệu, quân hàm của quân đội là trang phục riêng cả về mẫu mã, màu sắc, nó vừa mang tính hình thức, vừa mang tính trang nghiêm kỷ luật, tạo cho người mang mặc hướng tới một nhiệm vụ. Năm 1982, quân phục K82 ra đời đánh dấu một bước phát triển chính quy từng bước hiện đại; mới đây quân phục mới của thời hội nhập đã thay thế. Lúc đó năm 1982 có quy định những quân nhân khi rời quân ngũ có 25 năm tuổi quân trở lên mới được mang quân phục về sử dụng vào các ngày lễ với tư cách cá nhân khi đi dự. Sau này quy định không biết có rộng rãi cởi mở hơn không chứ chắc chắn không phải tất cả và không thể mang danh tập thể.

Tuy vậy trên các địa phương ngay ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang quê tôi đã thấy việc lạm dụng quân phục, quân hiệu, cấp hàm phổ biến. Vào một số Nhà văn hóa ở các thôn, tôi thấy ảnh các cựu quân nhân treo quân hàm; trong đó, họ mặc đeo các cấp hàm không phải cấp của họ, thậm chí còn cao hơn nhiều và đều là sĩ quan. Vào các gia đình cũng vậy, những bức chân dung mặc quân phục đeo cấp hàm Đại úy, Thiếu tá… cho dù họ chỉ là hạ sĩ quan, chiến sĩ. Tại các buổi làm việc, sinh hoạt đoàn thể cũng thấy họ mặc quân phục đeo cấp hàm như Sở Chỉ huy vậy. Chưa hết có tổ chức xã hội còn mua sắm 100% cho hội viên quân phục, cấp hàm từ Thiếu úy trở lên mặc đeo vào các buổi sinh hoạt tập thể...

Với việc trọng hình thức mà đeo mặc quân phục cấp hàm quân đội như vậy hẳn là lạm dụng để rồi làm mất đi hình ảnh đặc thù người quân nhân đang mang trọng trách lớn với vận mệnh Tổ quốc.

Trong khi Hội CCB là tổ chức chính trị xã hội khi làm lễ phủ Quân kỳ cho hội viên qua đời, họ cũng không mặc, đeo - trừ đội tiêu binh và người chủ lễ mà thôi.

Mong rằng các cơ quan có văn bản quy định cụ thể để xóa đi những ý tưởng trọng hình thức mà lạm dụng quân phục, cấp hàm quân đội kiểu này.

Nguyễn Tiến Lộc (Thôn Ngoài, Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang)