Trung Quốc, Hàn Quốc đã lập tức lên tiếng phản đối. “Chúng tôi sẽ theo dõi những bước đi tiếp theo của Nhật. Chúng tôi yêu cầu họ nhớ lại bài học lịch sử, nghiêm túc nhìn nhận mối lo ngại an ninh của các nước láng giềng châu Á”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh. Còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố: “Trong việc quyết định và thực hiện chính sách an ninh-quốc phòng, Nhật cần làm điều này với sự minh bạch, theo hướng đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời duy trì tinh thần của hiến pháp hòa bình”.
Trái với Trung Quốc và Hàn Quốc, Philippines hoan nghênh Luật An ninh mới của Nhật Bản. “Nhật Bản là đối tác chiến lược của Philippines, chúng tôi mong đợi các nỗ lực như trên nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung lớn hơn của hai nước, vì hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế”, Edwin Lacierda-phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết.
Hoa Kỳ cũng ủng hộ sự thay đổi về luật an ninh của nước đồng minh. “Các biện pháp an ninh mới được Nhật Bản thông qua sẽ góp phần giữ vững hòa bình và an ninh quốc tế cũng như tăng cường liên minh cực kỳ quan trọng của hai nước chúng ta”-các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ cho biết trong một tuyên bố chung.
Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) nhận định: Trong khi một mình quân đội Hoa Kỳ là chưa đủ để định hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì nay, với vai trò của SDF trở nên chủ động hơn, lực lượng quân đội hai nước đồng minh này sẽ giúp đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và biển Hoa Đông, tạo thế đối trọng với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải thận trọng hơn trong các toan tính của họ tại khu vực.
Luật An ninh mới cho phép Nhật Bản hỗ trợ các nước đồng minh và các quốc gia thân cận trong các cuộc xung đột xảy ra bên ngoài lãnh thổ nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Nhật Bản. Nội dung cốt lõi này đánh dấu lần đầu tiên sau 70 năm, quân đội Nhật được phép chiến đấu ở nước ngoài.
Nguyễn Đăng Song