Thầy dạy cấp ba, thời gian bóng câu qua cửa, hình như chừng mươi năm trước, thầy mệt mỏi xin nghỉ hưu non. Nhà thầy trong một ngõ nhỏ, mảnh dẻ lưa thưa cây nối ra hai phố lớn có nhiều biệt thự cũ kỹ. Thỉnh thoảng dạo bộ, nhìn những biệt thự cả trăm năm tuổi rêu phong giàn hoa giấy đang bị chủ mới đập đi xây khách sạn, thầy thở dài. Cô bảo, hai đứa nhà mình cũng lớn rồi, ăn học tốn kém lắm hay là mình mở bán cà phê. Thầy nhìn ngôi nhà hương hỏa cũng đang xuống cấp, gật đầu mở quán.

Nhà thầy nối nhau bần bạch làm nghề giáo. Ông nội thầy dạy Trường Bưởi, còn thân phụ thầy dạy toán Trường Sư phạm nhưng đến thầy thì dạy văn. Thầy lấy cô muộn, mối lái theo kiểu cổ, nên con nhỏ. Năm vừa rồi đứa lớn mới hình như chuẩn bị thi vào trường “Am”. Hết mấy năm đầu, quán cà phê ế khách, cô sốt ruột bán thêm rượu ngâm táo mèo kèm thêm chun chút vài thức mồi. Nghề bán hàng ăn là nghề nhà đằng cô.

Hiển nhiên khách sẽ đông hơn, và đương nhiên trong số ồn tạp của linh tinh khách hàng, sẽ có rất nhiều học trò cũ. Đám trò cũ lần đầu tiên vào quán, đa phần là do tò mò, khe khẽ trân trọng chào “em chào thầy ạ”. Tất nhiên phải mất dăm bảy phút thì thầy mới nhớ. Những đứa được thầy nhớ kỹ thường là bọn học dốt, hay nhầm thơ Tố Hữu với thơ Xuân Diệu. Giọng thầy dìu dịu như reo “à, hóa ra cậu”. Đột ngột nhưng không hiếm hoi lắm cũng có mấy đứa nữ sinh cũ. Chúng nó đi tụm ba tụm năm, đều đã ngoài “băm” cả rồi nhưng mặt vẫn phúng phính vừa như hồn nhiên vừa như bất hạnh. Những đứa vô tư thì giúp cô rửa cốc, tự pha nước cam hoặc cốc chanh leo. Những đứa trầm ngâm thì gọi cút “táo mèo” ngồi góc khuất song ẩm, lúc thanh toán luôn đưa tờ tiền chẵn nhất quyết không cho cô trả lại tiền thừa. Và cũng như đám nam sinh, thầy chẳng bao giờ hỏi là tại sao chúng nó đi uống rượu. Thường đàn bà đã dám bước chân vào tửu quán thì cũng giống như các nữ hiệp hành tẩu trên giang hồ, tất thảy xuất xứ đều không đơn giản. Hoặc hôn nhân sắp tan vỡ, hoặc vẫn “single mom” dư tiền nhưng bải hoải chỉ gặp toàn những thằng nhạt hoét. Khi cô gặng hỏi riêng, chúng khúc khích cười nửa đùa nửa thật nói thầm “người đàn ông chúng em khát khao, người mà chúng em ước ao thì cũng phải được vài phần như thầy cơ”. Cô bẽn lẽn cười xấu hổ.

Cả tuần trước và sau ngày 20-11 Hiến chương các nhà giáo, cô nghỉ bán hàng để thầy tiếp khách. Hoa thì thôi rồi, đủ loại rực rỡ màu sắc khác nhau tùy theo tính cách hay tuổi tác của đám trò cũ. Bọn già nhất cũng đã hơn “bốn nhăm” đa phần thành đạt, nhiều đứa là đại gia hoặc ngấp nghé Thứ trưởng. Chúng nó cầm tới đủ loại rượu Tây, Tàu vì biết thầy thích. Và cũng giống như vài lần hiếm hoi ở ngày thường, chúng nó ép thầy ngồi quần ẩm. Có điều, vui mấy thì vui, tuyệt chưa thấy lần nào đám trò dám quá trớn. Cho dù thầy rất hay đùa. Ngày xưa hồi còn bao cấp, thầy đứng trên bục mủm mỉm giảng Kiều. Thầy bảo, Thúy Kiều sở dĩ phải bán mình vì nhà nàng không có nghề bán rượu. Phụ huynh đứng đắn mách lên Ban giám hiệu, hình như thầy có bị làm kiểm điểm. Tất cả các tiết thầy dạy, bọn trẻ đều im phăng phắc nghe như nuốt từng lời, thỉnh thoảng chúng lại ồ lên ngặt nghẽo cười. Rồi đây phải đã rất lớn, bọn trẻ mới ngờ ngợ biết rằng, hình như những người tử tế đều hóm hỉnh thích đùa. Còn như hôm nay, vài thằng trò cũ hoặc nhờ phúc nhà hoặc nhờ mánh khóe, đang thừa mứa dư dật cả danh lẫn lợi. Sau vài tuần phê phê cụng ly chúc sức khỏe thầy, những thằng đó rưng rưng hay nói “em được như thế này là nhờ có thầy”. Thầy tế nhị cười hiền, khẽ nhìn con bé người mẫu bồ nhí đang ôm vai nó. Có lẽ thầy biết đám đại gia bây giờ đang rất thích trở thành tử tế, mà tử tế nhất thì ngoài chuyện đúc tượng xây chùa làm từ thiện, cứ rỗi rãi sểnh ra lại huênh hoang rủ người thân đến thăm thầy cũ.

Nhưng đám thành đạt đấy tới quán của thầy cũng chỉ thất thường giống như khách vãng lai, khoảng chục năm nay khách quen là trò xưa duy nhất có một người. Anh ta đều đặn cuối tuần đến cữ chiều, thanh sạch áo sơ mi trắng bỏ trong quần xanh. Trước khi gọi nậm “táo mèo” độc ẩm, bao giờ cũng trân trọng hai tay gửi lại thầy cuốn tiểu thuyết nguyên bản tiếng Pháp, chắc thầy đã cho anh ta mượn. Đám khách xung quanh thì thào buôn chuyện kháo rằng, vợ anh ta tham giàu bỏ lại hai đứa con để đi theo một thằng buôn bất động sản. Thầy và cô đều có vẻ quý anh ta, khi đưa đồ mồi là đĩa đậu rán bao giờ cô cũng tẩm hành. Vợ thầy ngượng nghịu thanh minh, vì anh ta mới đúng là nối nghiệp thầy, đang bần bạch dạy văn ở một cái trường trung học phổ thông ngoại ô nào đó.

Hai thầy trò hiếm khi ngồi song ẩm, và cũng chẳng ai biết là họ nói chuyện gì. Chỉ thấy đôi lúc trên gò má của cả hai ngân ngấn phảng phất như là nước mắt. Ngay cả vợ thầy cũng chẳng bao giờ biết, đó là nước mắt của niềm vui hay nỗi buồn.

Nguyễn Việt Hà