Năm nay đã ở tuổi 87, nhưng khi gặp bà, tôi bất ngờ và ấn tượng bởi khuôn mặt bà vẫn ánh lên vẻ trẻ trung, đôi mắt tinh anh và nụ cười hồn hậu, dáng người nhanh nhẹn. Không ai nghĩ rằng sáng nào bà vẫn ngồi vào bàn làm việc, miệt mài đọc sách in và báo mạng, viết báo, cộng tác với các báo: “Phụ nữ Thủ Đô”, “Sự kiện nhân chứng”, “Văn nghệ”, “Cựu chiến binh”... Người phụ nữ ấy chính là nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú, phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội, Trung tướng Lê Quang Đạo, là con dâu của dòng họ Đức ở kinh bắc.
Một nữ sinh Đồng khánh 16 tuổi với tà áo dài trắng và tóc xõa ngang vai, bà đã tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ bí mật ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám cho đến khi nghỉ hưu, bà là một cán bộ phụ nữ năng động của T.Ư Hội phụ nữ Việt Nam. Bà từng là ủy viên Ban liên lạc phụ vận Bắc Bộ, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ. Bà đã làm việc lên tục, đi nhiều, viết nhiều trong những năm kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Ở tuổi hai mươi, bà đã là nhân chứng lịch sử tham dự cuộc họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, để chọn ngày 27-7 là ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc.
Trong chiến tranh chống Mỹ, bà là phóng viên Báo Nhân dân, Báo Phụ nữ. Bà còn là một hậu phương vững chắc cho Trung tướng Lê Quang Đạo, khi ông đi làm Chính ủy các chiến dịch lớn: Khe Sanh; Đường 9 - Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị. Các con của hai ông bà đều trưởng thành, là các kỹ sư, tiến sĩ khoa học và Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhà văn Nguyệt Tú là một phụ nữ tiêu biểu cho thế hệ xứng danh với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng. Bà kế thừa nhiều điều tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, hội tụ đầy đủ bốn phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với trí óc minh mẫn và tinh thần lạc quan cách mạng, bà vẫn đóng góp những bài báo, bài văn có ích cho đời. Hiện nay, cứ vài ba năm bà lại cho ra đời một cuốn sách dày hai, ba trăm trang.
Cuộc đời và sự nghiệp của bà là tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ noi theo. Bà vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba, các huân chương chống Pháp, chống Mỹ và các huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Có một nhà văn tôn vinh bà là “Bông hồng tuổi 80”, vì hoa hồng có vẻ đẹp và một hương thơm đặc biệt. Tôi rất vui được trò chuyện với bà, bất chợt nhớ đến bài hát “Hà Nội mùa thu” của Vũ Thanh có câu: “… Thu đi dài năm tháng, vinh quang và duyên dáng”. Tôi thấy bà là một mùa thu dài, một mầu xanh tươi mãi với thời gian.
Nguyễn Thị Thu Nga