Sau các đợt mưa lớn, bão, lũ lụt... là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và bùng phát thành dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ là vô cùng quan trọng.

Bệnh đường hô hấp

Những ngày mưa kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Một số trường hợp, có thể bị viêm phổi, viêm xoang, viêm tai hoặc viêm họng. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị. Để phòng ngừa bệnh hô hấp, người dân cần giữ ấm cơ thể, tăng cường khẩu phần ăn phù hợp để cơ thể tăng sức đề kháng.

Các bệnh về da

Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh về da như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa... Đa số các trường hợp bệnh về da do tiếp xúc với nước bẩn mùa mưa, bệnh nhân chỉ cần dùng những loại thuốc bôi, rửa ngoài da là có thể kiểm soát được tình trạng bệnh. Để phòng ngừa các bệnh về da trong mùa mưa, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần dọn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, nước tù đọng lâu ngày. Nên có sẵn những dung dịch sát khuẩn để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn.

Bệnh đường tiêu hóa

Sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường tăng một cách đáng kể. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp. Điển hình hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ, lụt là bệnh tiêu chảy cấp. Để phòng bệnh,  ở các vùng mưa lũ ngập úng cần có biện pháp xử lý nguồn nước và môi trường khoa học, đúng quy trình để tránh làm bệnh có nguy cơ bùng phát. Sau khi chăm sóc người bệnh, cần rửa tay kỹ nhiều lần bằng xà phòng hoặc các dung dịch tẩy trùng như cloramin B.

Để chủ động phòng tránh các bệnh nói chung trong mùa bão lũ người dân cần chủ động thực hiện các nội dung sau: Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khử trùng nước sử dụng cho uống và sinh hoạt: bảo đảm dùng nước sạch trong ăn uống. Làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

Với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế (có thể dùng vôi bột). Phun hóa chất diệt côn trùng, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải đựng nước, hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Chú ý mắc màn khi đi ngủ. Kịp thời phát hiện và dập tắt các bệnh truyền nhiễm. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Tuyên truyền cho mọi người dân bằng mọi hình thức như loa, đài phát thanh, tổ dân phố, làng, xóm, các cháu học sinh... để người dân thực hiện ăn chín, uống chín (nước đun sôi, để nguội). Tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước lã,không đi vệ sinh bừa bãi. Không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ, lụt. Không ngâm mình dưới nước thời gian lâu.

Thành An