Bác sĩ thăm khám bệnh nhân lao ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Vi khuẩn lao gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm từ 80-85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho những người xung quanh.

Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh lao và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia.

Dấu hiệu của người mắc bệnh lao

Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu); gầy sút cân, mệt mỏi, kém ăn; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.

Khi có những dấu hiệu trên mọi người hãy đến các cơ sở y tế tuyến huyện để khám và phát hiện sớm bệnh lao. Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của chương trình chống lao. Thuốc điều trị lao được cấp miễn phí trong cả quá trình điều trị.

Phòng chống bệnh lao

- Cần tuyên truyền để mọi người hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và hậu quả của bệnh lao. Từ đó nâng cao ý thức phòng và tránh bệnh cho tất cả chúng ta. Đây là biện pháp hiệu quả bởi khi đã có ý thức tự bảo vệ sức khỏe thì chúng ta mới tích cực thực hiện các biện pháp phòng vệ.

- Thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường. Đặc biệt, khi vào bệnh viện hoặc những khu vực có nguy cơ lây nhiễm lao cao để tránh bị lây nhiễm qua không khí.

- Tiêm phòng vắc xin HCG để phòng lây nhiễm lao cho trẻ em. Đây là biện pháp cần được áp dụng triệt để với trẻ em để giảm bớt số người mắc lao.

- Giữ gìn vệ sinh chỗ ở, nơi làm việc khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Thường xuyên phơi ra nắng đồ dùng cá nhân như: chiếu, chăn, màn, quần áo... tránh tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn lao hình thành và phát triển.

- Che miệng với khăn giấy mỗi khi ho, hắt hơi..., sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác. Không khạc nhổ ra đường hoặc những nơi công cộng.

- Bệnh nhân lao phải khạc đờm vào giấy rồi đốt đi, không khạc nhổ bừa bãi ra môi trường xung quanh.

- Khi có các triệu chứng như trên, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh lao, tránh lây bệnh cho người thân và cộng đồng.

- Không nên hút thuốc lá, thuốc lào cũng được coi là biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh lao.

Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao chữa khỏi bệnh, hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi  T.Ư - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB.

Thời gian nhắn tin từ 00 giờ ngày 10-3-2019 đến 24 giờ ngày 9-5-2019. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, địa chỉ: Tầng 1, Nhà K, Bệnh viện Phổi T.Ư, số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, T.P Hà Nội. Số TK: 16010000288699, Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3.

Thành An