Bệnh cước là tổn thương cục bộ ở ngoài da vào mùa đông. Dân gian gọi là “lên cước”. Y học cổ truyền gọi là cước khí, bệnh cước. Những vùng bị cước, các ngón chân, ngón tay bị sưng đỏ, có cảm giác ngứa, rát khó chịu...

Bệnh cước được chia thành hai thể

- Thể cấp tính: Là thể bệnh cước khí nhẹ trong chấn thương do lạnh. Biểu hiện ban đầu chỗ da bị bệnh thấy trắng nhợt, sau đó tấy đỏ, có cảm giác đau rát, hoặc ngứa, hoặc tê bì.

- Thể mạn tính: Hay gặp ở người cao tuổi, là thể bệnh cước khí nặng trong chấn thương ngoài da do lạnh. Mức độ của bệnh tùy thuộc vào nhiệt độ và thời gian chịu lạnh. Biểu hiện ban đầu da bị tổn thương màu trắng xám hoặc tím tái, trên da có thể xuất hiện mụn nước to nhỏ khác nhau hoặc sưng tấy, đau nhức, mất cảm giác.

Phòng bệnh cước như thế nào?

Khi vừa bị lên cước, chú ý không được sưởi ấm vì có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ, gây viêm loét đau và ngứa hơn. Khi bị ngứa, chỉ nên xoa nhẹ, không nên gãi mạnh làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng và lở loét. Khi bệnh mới phát, da có cảm giác tê bì, chỉ cần chú ý giữ ấm và ăn uống đủ nhiệt lượng, đủ chất dinh dưỡng. Người thể chất hư hàn, chịu lạnh kém có thể sử dụng thêm những món ăn, vị thuốc có tính ấm, để điều hòa khí huyết, ôn thông kinh mạch, phòng ngừa phát cước như thịt dê, thịt chó, thịt gà, gừng, mật ong, trần bì, sa nhân, nhục quế...

Đối với thể cước khí mạn tính, phòng bệnh tái phát bằng cách: Cần chú ý bồi bổ khí huyết. Giữ ấm khi trời lạnh. Luyện tập thể thao để tăng cường lưu thông máu trong cơ thể. Uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày. Ăn nhiều hoa quả và các loại rau xanh. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nhất là những chất giàu protein. Không nên dùng các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản tôm, mực… Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh và các hóa chất tẩy rửa.

Hải Tiến