Thực hiện phương châm đó đồng thời để tránh ùn tắc Cục Quân y chủ trương tổ chức một trạm cấp cứu và phân loại sơ bộ sát mặt trận hơn, do một chính trị viên tiểu đoàn lại là một thương binh cụt tay phụ trách chung, cán bộ quân y được rút bớt ra từ đội điều trị 4 và đội điều trị 3 cùng với một đại đội dân công vừa làm lán trại, cấp dưỡng, hộ lý và cáng tải thương về các tuyến điều trị thực thụ ở phía sau.
Tôi được điều từ đội điều trị 3 Sư đoàn 304 cùng với chị Nguyễn Thị Ngọc Toản ở đội điều trị 3 về trạm này chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật.
Tuy chiến dịch chưa bắt đầu, nhưng lúc này địch cũng đã phát hiện ta sắp đánh lớn nên cho máy bay thả pháo sáng, oanh tạc suốt ngày đêm, nên thương vong của ta cũng rất nhiều…
Khi tiếng súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ! Quyết tâm của Trung ương và Bộ Tư lệnh mặt trận là phải thắng và chiếm bằng được Him Lam - Độc Lập. Do vị trí quan trọng của hai đồn này, địch cũng bố trí một lực lượng rất mạnh… Địch cố giữ, ta quyết chiếm nên trận địa diễn ra hết sức ác liệt và kéo dài. Thương binh chuyển về ngày càng nhiều: bằng ô tô, bằng cáng và cả đi bộ nếu không bị thương vào chân, kèm theo là hàng trung đội chẳng những bị thương lại thêm bệnh loạn thần (histerie) nên suốt ngày đêm đập phá la hét: “bắn; xung phong…”
Toàn trạm lúc này ồn ào náo nhiệt, thương binh nằm la liệt trong lán, dưới dù và cả gốc cây rừng! Khốn thay, một cơn mưa bất chợt kèm gió xoáy khiến một cây bị đổ đè chết một chiến sĩ cũng là lúc Bộ Tư lệnh mặt trận đi kiểm tra chiến trường thấy tình hình thương binh nằm như vậy là không ổn. Một quyết định chớp nhoáng: Phiên tòa của Tòa án binh mặt trận được tổ chức lúc chập choạng tối với quyết định: Cảnh cáo lãnh đạo trạm và bắt đồng chí chính trị viên tiểu đoàn phụ trách chung với tội danh: “Thiếu trách nhiệm để thương binh phải nằm đất; không có lán trại và để gây tử vong đáng tiếc…”.
Thật là ân hận và khủng khiếp. Trong một phiên tòa mà cả điều tra, luận tội, kết tội chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ.
Chưa hết bàng hoàng thì sáng hôm sau tin chiến thắng được truyền đi; quân ta đã chiếm được Him Lam và Độc Lập. Đang phát triển đánh vào trung tâm Mường Thanh.
Phấn khởi với thắng lợi này, mọi người trong trạm làm việc không biết ngày đêm, quên đói, quên mệt và quên ngay cả phiên tòa mới được tổ chức chiều tối hôm trước.
Ít lâu sau chị Nguyễn Thị Ngọc Toản được điều lên Điện Biên Phủ để cứu chữa cho thương binh và hàng binh. Tôi ở lại phụ trách trạm cho đến ngày Điện Biên Phủ hoàn toàn giải phóng thì cũng được tin chị Toản làm lễ cưới cùng anh Cao Văn Khánh, Sư đoàn phó 308 tại hầm của tướng Decastris.
Điện Biên Phủ giải phóng – trạm cấp cứu 59 của chúng tôi cũng giải tán… Tôi trở về đơn vị cũ là Đội điều trị 4 do GS.TS Nguyễn Văn Nhân làm đội trưởng để tiếp tục nhiệm vụ ở đây là cứu chữa phục vụ thương binh và hàng binh; hộ tống thương binh, tù binh về Thanh Hóa.
Nay tôi đã trên 80 tuổi và đã nghỉ hưu cũng không biết số phận chính trị viên bị xử án hôm nay ra sao. Ngồi viết lại kỷ niệm này để nhớ lại một thời trai trẻ, nhớ lại những bạn chiến đấu tri ân - tri kỷ ở Đội điều trị 4 và để lớp con cháu tôi biết “Kỷ luật chiến trường là như thế đó”.
Công Giáp
(Nguyên giám đốc bệnh viện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã nghỉ hưu hiện ở làng Cộng, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa)