Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi nước ngoài cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm. Hiện mỗi năm, Việt Nam đưa được khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nguồn kiều hối gửi về hơn 3 tỷ USD/năm, tăng 5 lần so với trước khi có Chỉ thị số 16-CT/TW.

Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hằng năm. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề.

Lao động Việt Nam có mặt tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu làm công việc giản đơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chính là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế rất lớn khi có đến 90% lực lượng lao động này chưa qua đào tạo nghề, ngoại ngữ, năng lực tiếp nhận những kỹ thuật cao ở những đất nước phát triển rất hạn chế. Điều đó cho thấy, xuất khẩu lao động nhiều năm tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Nguyễn Bá Hoan, trong giai đoạn tới, dân số Việt Nam bước vào thời kỳ “già hóa dân số”, tỷ lệ người cao tuổi đạt 14,17% tổng dân số và gần 15,46 triệu người vào năm 2036. Vì vậy, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp nữa mà ngày càng chú trọng vào chất lượng lao động để đáp ứng mục tiêu hài hoà giữa thị trường lao động trong nước và ngoài nước.

Về phía người lao động và một phần xã hội, coi đi làm việc ngoài nước chỉ dành cho người nghèo, thất nghiệp nên đa số đi làm với tâm lý kiếm tiền mà không có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Số lao động này sau khi về nước khó tìm được việc làm, thậm chí thất nghiệp. Một số người lại tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng để tiếp tục đi lao động ở nước ngoài. Nếu cứ giữ tâm lý này, người lao động dễ rơi vào vòng luẩn quẩn. Vì vậy, mỗi người cần thay đổi nhận thức khi có cơ hội ra nước ngoài làm việc, với phương châm “đi để học nghề, về để làm chủ”.

Về phía các cơ quan chức năng, ngoài việc chăm lo, giải quyết việc làm, có chương trình đào tạo đối với những lao động về nước, cũng cần thay đổi tư duy chọn đối tượng đi xuất khẩu lao động.

Có thể thấy lực lượng sinh viên mỗi năm tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng chưa xin được việc làm khá đông. Nếu có chính sách cho những đối tượng này được tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước sẽ phát huy được tiềm năng của người lao động, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cả trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới. Người lao động vừa kiếm tiền vừa học hỏi trong thời gian làm việc. Khi về nước, họ có thể tự tìm việc mà không cần sự hỗ trợ hay can thiệp của bất kỳ cơ quan nào.

Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước rất lớn, là cơ hội để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đã đến lúc cần có chính sách ưu tiên lựa chọn có định hướng đầu tư những ngành nghề chiến lược Việt Nam đang cần như kỹ thuật cao, nông nghiệp sạch, điện - điện tử, tự động hóa... từ đó khai thác được nguồn lực khi về nước.

Lam Thanh