Hơn 20 năm qua, Viện Dưỡng lão Việt - Hoa tại chùa Lâm Quang (phường 4, quận 8, T.P Hồ Chí Minh) chăm sóc, nuôi dưỡng miễn phí gần 200 NCT.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, đến năm 2020, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 12% dân số, trong đó khoảng 1,98 triệu người trên 80 tuổi, gần 7,7 triệu người sống ở vùng nông thôn. Đa số NCT Việt Nam sống cùng con cháu. NCT đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Số NCT tăng nhanh sẽ cần một nhóm người đáng kể hỗ trợ để đảm bảo sinh hoạt bình thường cũng như chăm sóc sức khỏe.

Quan niệm “nhỏ cậy cha, già cậy con” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Á Đông. Đạo lý “kính già” cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được coi là một trong những thang bậc cơ bản và quan trọng của dân tộc Việt Nam. Nhưng trên thực tế, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, tập trung tại các khu vực thành thị, khiến rất nhiều thành viên trong độ tuổi lao động của các gia đình ít có điều kiện và thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ. Nhiều gia đình có đến 4, 5 người con, nhưng lúc cha mẹ ốm nặng, việc cắt cử nhau trông nom còn gặp khó khăn về thời gian, điều kiện kinh tế, chưa nói những gia đình ít con.

Chính vì thế, gần đây, ở nước ta xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc NCT như người giúp việc tại nhà, tại bệnh viện, bác sĩ gia đình, các trung tâm dưỡng lão công lập, tư nhân. Đối với người cao tuổi tại thành phố, có lương hưu cao thì việc chi trả chi phí cho sinh hoạt tại một viện dưỡng lão là điều có thể, tuy nhiên số lượng này không nhiều vì chi phí dịch vụ tại các viện dưỡng lão tương đối cao, khoảng từ 7 triệu đồng/người trở lên. Hiện nay, những người sống trong trung tâm dưỡng lão chủ yếu thuộc 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là các cụ già thích và chủ động vào viện dưỡng lão, không muốn làm phiền tới các con, muốn được làm bạn cùng những NCT; nhóm thứ hai là các cụ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn nhưng phải ở nhà một mình, các con đề xuất các cụ vào các viện dưỡng lão; nhóm nhiều nhất là các cụ có vấn đề về sức khỏe, có thể mắc một số bệnh mãn tính, có trường hợp bị lẫn, con cái khó chăm sóc tốt cho bố mẹ.

Trong những năm gần đây, nhiều mô hình trung tâm dưỡng lão do tư nhân quản lý được hình thành tuy nhiên chưa có sự điều tiết của Nhà nước và thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì vậy, bên cạnh một số mô hình hoạt động tốt, có hiệu quả thì vẫn tồn tại mô hình hoạt động không ngoài mục đích thu lợi nhuận. Chất lượng dịch vụ của các trung tâm hiện nay đa phần chưa đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của NCT như chỗ vui chơi ngoài trời hẹp, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn nhiều, chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên chưa chuyên nghiệp… Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý và hình thành định kiến của NCT về các trung tâm dưỡng lão.

Ngoài ra, do truyền thống văn hóa dân tộc nên vẫn còn ý kiến trái ngược nhau xung quanh vấn đề này, đó là đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là “bất hiếu” hay “báo hiếu”? Nhiều người còn quan niệm để cha mẹ già vào viện dưỡng lão là muốn rũ bỏ trách nhiệm, là vô lương tâm…  

Với  người cao tuổi tại các viện dưỡng lão hiện nay chủ yếu là những người gia đình có điều kiện, kinh tế ổn định. Do đó, với những người cao tuổi mà có thu nhập thấp muốn vào viện dưỡng lão là một điều khó khăn để thực hiện. Bên cạnh nhóm NCT ở nông thôn không có lương hưu, còn nhiều người ở các thành phố phải làm thêm để mưu sinh, sống phụ thuộc vào con cháu hoặc số lương hưu ít ỏi, không đủ chi trả cho các dịch vụ chăm sóc hiện có. Trước những vấn đề trên, ước mơ về một viện dưỡng lão miễn phí là mong muốn của nhiều NCT không thuộc đối tượng chính sách.

Trước tình hình già hóa dân số của Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành, triển khai nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo ra các khuôn khổ pháp lý để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình dưỡng lão công lập vẫn chưa được quan tâm đúng mức với tình hình thực tiễn. Thiết nghĩ, NCT cũng là đối tượng yếu thế trong xã hội, vì vậy việc chăm sóc NCT cũng rất cần được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hồ Thanh Hương