Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, về hạ tầng, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, đến năm 2025, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; huy động nguồn vốn tiếp tục đầu tư đường Vành đai 5, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; hoàn thành cải tạo nâng cấp tuyến QL4B qua Lạng Sơn; huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trong vùng như QL4B đoạn qua Quảng Ninh, QL21C đoạn Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính.
Về đường sắt, trong giai đoạn này, Bộ Giao thông vận tải tập trung khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành đầu tư, cải tạo, nâng cấp một số ga trên tuyến đường sắt hiện có Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn; hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi).
Giai đoạn đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải sẽ đầu tư hoàn thành đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; mở rộng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang; cải tạo, nâng cấp một số tuyến quốc lộ theo quy hoạch.
Phấn đấu đến năm 2030 khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ phấn đấu khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đầu tư tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; huy động vốn để đầu tư các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi); chuẩn bị đầu tư tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Về đường thủy, tiếp tục cải tạo các tuyến thủy nội địa Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tuyến Vạn Gia - Ka Long, nạo vét luồng tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô, khu vực phía Bắc.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, cơ quan trong triển khai đầu tư các tuyến cao tốc: Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; hoàn thành nâng cấp mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn theo quy hoạch.
Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương
Về nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động nguồn vốn ngân sách đầu tư cảng biển, cảng hàng không, trung tâm logistics, cảng cạn gắn với đầu mối vận tải lớn.
Cùng đó, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý, đặc biệt là các công trình giao thông. Đồng thời hỗ trợ địa phương trong xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn hợp pháp để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng.
Liên quan đến vận tải vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ Giao thông vận tải sẽ từng bước tái cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên phát triển thành phần các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng logistics.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thủy nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hóa; đổi mới, hiện đại hóa các phương thức vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải và chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông theo lộ trình tại Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
VPCP