PV: Thưa đồng chí, được biết, Điện Biên là một địa bàn tuy xa xôi cách trở nhưng luôn được nhân dân cả nước, trong đó có lực lượng CCB dành những tình cảm tốt đẹp và mối quan tâm sâu sắc nhất. Đề nghị đồng chí giới thiệu đôi nét với bạn đọc Báo CCB Việt Nam về quê hương Điện Biên.

Đồng chí Tao Văn Khứn: Xin cảm ơn tất cả. Như các đồng chí đã biết, lịch sử anh hùng của vùng đất và con người Điện Biên hàng ngàn năm qua, nhất là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 được cả thế giới biết đến, đã, đang và mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh miền núi biên giới vùng sâu, vùng xa, có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất của cả nước với địa hình chủ yếu là đèo cao, suối sâu, thời tiết khắc nghiệt... Tỉnh Điện Biên tiếp giáp với các nước Lào và Trung Quốc với đường biên giới hơn 400km, diện tích rộng hơn gấp đôi tỉnh ở dưới xuôi nhưng dân số lại ít hơn nhiều với chừng 500.000 người, trong đó 80% là đồng bào thuộc 7 dân tộc thiểu số, đông nhất là người Thái, H'mông, Khơ-mú… Tuy đồng bào các dân tộc trong tỉnh Điện Biên rất cần cù lao động nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, các hủ tục lạc hậu còn nhiều, cùng với đó là tệ nạn buôn bán ma túy, nghiện hút còn nhiều nên hiện nay, nên tỉnh Điện Biên vẫn bị xếp hạng thứ nhất trong danh sách các địa phương nghèo nhất nước.

Được sự giúp sức, chung tay của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, những vấn đề này đang là mục tiêu phấn đấu xóa bỏ để đi lên của tất cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, trong đó có Hội CCB chúng tôi.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những hoạt động của Hội CCB tỉnh Điện Biên trong thời gian qua trong công tác xây dựng Hội cũng như xây dựng địa phương.

Đồng chí Tao Văn Khứn: Sinh sống và làm việc trên quê hương Điện Biên anh hùng, trong suốt những năm qua, các cán bộ, hội viên và tổ chức Hội CCB tỉnh Điện Biên luôn tâm niệm sống tốt, làm tốt để xứng đáng với truyền thống quê hương.

Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, lại chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội. Đến nay, tại tất cả các thôn bản, xã phường ở TP Điện Biên cũng như các huyện, thị xã như Tuần Giáo, TX Mường Lay… và nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh đều đã có tổ chức Hội CCB, hiện nay đã kết nạp được 14.400 hội viên vào các tổ chức Hội, đạt tỷ lệ 80%. 90% số Hội cơ sở đạt TSVM. Lúc đầu, sinh hoạt Hội ở các cơ sở còn nặng về hình thức và nghèo nàn về nội dung, nhưng hiện nay, sinh hoạt Hội ở các cơ sở đã dần đi vào nền nếp, nội dung sinh hoạt Hội phong phú và thiết thực về công tác Hội và về giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tham gia vào các công việc chính trị-xã hội. Năm 2012, toàn Hội CCB tỉnh Điện Biên có 94,64% Hội cơ sở đạt TSVM, hội viên gương mẫu chiếm 97%, gia đình hội viên văn hóa đạt 96,63%. Nói đến CCB tỉnh Điện Biên, không thể không nói đến tấm gương giữ vững truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn phấn đấu vươn lên và là tấm gương trong cộng đồng của 997 hội viên CCB-chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đã ở lại xây dựng Nông trường Điện Biên và hiện nay, tuy tuổi cao nhưng có thể nói, mỗi đồng chí là một tấm gương sáng trong cộng đồng, tập trung ở TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên… Chúng tôi có nhiều điển hình, tiêu biểu như hội viên và tổ chức Hội ở huyện Mường Nhé tham gia có hiệu quả cao vào ổn định tình hình, giải thích cho đồng bào không tụ tập đông người đòi thành lập vương quốc Mông và theo đạo Vàng Chứ. Ở Hội CCB huyện Mường Nhé, có tấm gương của CCB Khoàng Văn Ếch ở chi hội bản Nà Khoa 1, xã Nà Khoa có thành tích bắt đối tượng buôn bán ma túy; CCB Vừ Giống Lù, ở chi hội bản Huổi Chạ, xã Nậm Vì; Lý Văn Lằm, Chủ tịch Hội CCB xã Nậm Kè là một trong những điểm nóng nhất của huyện luôn phát huy tốt truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực động viên gia đình, người thân và nhân dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục; CCB huyện Mường Ẳng, TP Điện Biên, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Tủa Chùa... tích cực tuyên truyền, vận động con em và người dân xung quanh không tham gia hút, chích và buôn bán ma túy, tham gia bảo vệ an toàn giao thông, trồng và bảo vệ rừng, không săn bắt, buôn bán động vật hoang dã; Hội CCB TP Điện Biên Phủ tích cực tham gia công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn… Nhiều tấm gương tiêu biểu ở các đơn vị này đã được các cấp Hội cũng như chính quyền địa phương biểu dương, khen thưởng.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết về những hoạt động của Hội CCB tỉnh Điện Biên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua.

Đồng chí Tao Văn Khứn: Tỉnh Điện Biên hiện vẫn là địa phương nghèo, cho nên CCB cũng còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo của Hội đầu năm 2007 chiếm 5,73% với 682 hộ, trong 4 năm qua, kết nạp thêm 2.576 hội viên thì trong đó có 1.162 hộ nghèo, do đó tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2010 còn 712 hộ, chiếm 5,37% theo tiêu chí cũ, theo tiêu chí mới thì toàn Tỉnh hội còn 1.979 hộ nghèo, chiếm 24,92%. Trước tình hình ấy, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã làm nhiều việc và cho hiệu quả thiết thực. Cùng với chính quyền và các cơ quan chức năng, Hội đã vận động được các nguồn vốn, trong đó có 230 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Số vốn vay đã được sử dụng đúng mục đích, tạo công ăn việc làm cho 19.976 con em và hội viên CCB, xóa hết số hộ đói, giảm được 1.132 hộ nghèo, xóa được 840 nhà tạm. Nhiều gia đình CCB nghèo trước đây nhờ được vay vốn đã thoát nghèo, nhiều gia đình đã có tích lũy và vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, trồng cao su với 662 trang trại tổng hợp, 45.396 con trâu bò; trong đó có 200 trang trại thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên, có 40 doanh nghiệp, 1.115 hội viên sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu trong công tác phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Điện Biên có các tấm gương như các hội viên Bùi Văn Thọ ở TP Điện Biên Phủ lập Công ty xây dựng Trường Thọ tạo công ăn việc làm cho gần 700 lao động, tham gia tích cực các hoạt động xã hội; Lò Văn Giảng ở xã Lay Nưa (TX Mường Lay) làm trang trại nuôi cá, trồng rừng, tạo việc làm cho 11 lao động là CCB; Lờ A Sử ở xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa nuôi cá mỗi năm lãi 200 triệu đồng; Hoàng Bá Tài ở thị trấn Tuần Giáo lập Công ty Đại Thắng chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho 60 lao động địa phương; Bùi Trọng Vệ, Lò Văn Bun, Tòng Văn Sáng ở huyện Mường Ẳng… Những tấm gương ấy đang được các cấp Hội nhân rộng, phát huy để góp phần đưa tốc độ xóa đói giảm nghèo trong CCB và nhân dân tỉnh nhà được nhanh hơn, bền vững hơn.

Với sự quan tâm giúp đỡ của cả nước, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Hội CCB tỉnh Điện Biên luôn cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phấn đấu vươn lên trong mọi hoạt động, xây dựng Điện Biên mạnh giàu, xứng đáng với truyền thống quê hương Điện Biên Phủ Anh hùng. Qua Báo CCB Việt Nam, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các đồng chí, đồng đội và mong được đón các đồng chí đến thăm Điện Biên, chung sức với Điện Biên chúng tôi.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Lê Doãn Chiêu (thực hiện)