Trước tình hình đó, ở Đại hội nhiệm kỳ IV, Hội CCB huyện Bình Chánh xác định việc nâng cao ý thức, tinh thần tự lực, tự cường, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau làm kinh tế là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Nhiều hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao được năng suất lao động, làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đến nay, số hộ trong diện nghèo chỉ còn hơn 5%, số hộ CCB khá và giàu chiếm 30%, góp phần đáng kể vào thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điển hình như CCB Kiều Công Tâm ở ấp 2, xã Tân Kiên. Từ cây lúa, ông chuyển sang trồng rau, rồi nuôi heo, nuôi cá. Khi địa phương bước vào đô thị hóa, nhiều khu công nghiệp mọc lên, nguồn nước bị ô nhiễm không thể nuôi cá được, ông chuyển sang trồng hoa lan, mai, sứ. Nay vườn lan 2.000m2 đã cho thu nhập 2 triệu đồng mỗi tuần, giúp gia đình ông có cuộc sống khá hơn rất nhiều.

Hay như CCB Nguyễn Thế Hùng ở ấp 4, xã Tân Nhựt, khi xuất ngũ trở về với hai bàn tay trắng, cây lúa cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình, vậy mà nay đã có cơ ngơi vững vàng với mô hình vườn, ao, chuồng khá hoành tráng, thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng. Từ một huyện thuần nông, rồi hình thành mô hình vườn, ao, chuồng nay Bình Chánh đã có thêm cơ cấu kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đời sống của nhiều CCB cũng vì thế được nâng lên. Đó là cả một quá trình thích nghi với điều kiện môi trường, phù hợp với chủ trương đô thị hóa, xây dựng nền đô thị nông nghiệp vững chắc… Tất cả đều xuất phát từ tinh thần tự lực rất cao của các CCB.

Ông Bùi Xuân Dũng, Phó chủ tịch Huyện hội cho biết, phát huy ý chí trên, vừa qua, toàn huyện có 1.455 hội viên vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 14 tỉ đồng, đều được sử dụng đúng mục đích. Một điểm sáng là hoạt động trợ vốn không hoàn lại cho hội viên. Những hội viên có khả năng thì đóng góp mỗi năm 100 ngàn đồng, số tiền đó sẽ được luân phiên chuyển đến giúp những hội viên khó khăn nhất để có vốn làm ăn…

Ông Dũng cũng cho biết: “Từ sự chịu thương, chịu khó, tận dụng vốn vay, học kinh nghiệm mọi người và cái chính là phải cố gắng vươn lên, không chỉ cố gắng làm ăn mà còn phải chăm lo cho con em hội viên có công ăn việc làm ổn định, mới thoát nghèo bền vững được”. Hiện nay Hội CCB huyện Bình Chánh có hơn 2.300 hội viên, nhưng vẫn còn 131 hộ hội viên nghèo, cả huyện đang phấn đấu đến cuối năm sau, sẽ không còn hộ nghèo nào nữa…

THOẠI DIỄM