Chuyện hơn một trăm lượt phi công của Vietnam Airlines cáo ốm, nghỉ bay tập thể vừa rồi, nguyên do chính là lương tháng hơn một trăm triệu không xứng với công sức họ bỏ ra, phần nào đã gây quan ngại trong dư luận, nếu không nói là bức xúc!
Được biết Vietnam Airlines đang thực hiện chiến lược nâng cấp đội tàu bay, đang sốt sắng mua sắm để có đội tàu bay vào loại "khủng" trong khu vực. Nhưng có lẽ lúc này nên nâng cấp đội ngũ "tài xế trên không" trước, nên tạo ra một thị trường lao động hàng không - nhất là lao động phi công lành mạnh; bởi lẽ tiền bạc chưa thông "thì đeo bình tông chẳng nổi", huống hồ giao những chiếc máy bay hiện đại và sinh mạng hàng trăm con người cho những bác tài còn lấn bấn quá nhiều về chuyện tiền bạc thì nghe chừng bất ổn lắm!
Là người Việt, mấy ai không tự hào với Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Chưa nói tới các phi công thời chiến tranh, sống hết mình, chiến đấu hết mình, "Sẵn sàng tung cánh bay... ra đi là mang chiến thắng trở về", mà chỉ gần đây, qua tác nghiệp báo chí, được tiếp xúc với những phi công của Binh đoàn Hải Âu - Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, chứng kiến những hành động phi thường, những hành động anh hùng của các anh trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, mới thấy Không quân nhân dân Việt Nam thời nào cũng anh hùng. Tôi thầm cảm phục, từ phi công chiến đấu, chập chững sang bay dịch vụ dầu khí, bị các hãng trực thăng phương Tây kỳ thị, xem thường..., các anh, với trí tuệ, bản lĩnh, đặc biệt là với lòng tự trọng, tinh thần tự tôn dân tộc, đã kiên trì, lặng lẽ học hỏi, phấn đấu vươn lên, loại dần các hãng trực thăng có tiếng trên thế giới, làm chủ thị trường bay dầu khí trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế, trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ trực thăng hàng đầu của khu vực. Cùng với hoạt động dịch vụ, các anh còn huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, khắc phục bão lụt...
Hình ảnh phi công Nguyễn Xuân Trường - một phi công đã qua chiến đấu, ngày 31-1-1979 với chiếc UH-1 cũ kỹ, bay "mò" giữa biển khơi, tìm được rồi hạ cánh lẹ làng trên tàu khoan Dan Queen của một hãng dầu khí Pháp, trước sự ngạc nhiên, nể phục của những người không tin các anh làm được điều đó; rồi đầu năm 2007, Phạm Quang Thiết - một phi công cũng đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, trong khi thực hiện một hợp đồng bay thuê ở Malaysia, đã xử trí cực kỳ thành công một vụ tai nạn, cứu sống 7 hành khách và tổ bay, được bạn ví như anh hùng,... là niềm cảm hứng để tôi có bài viết "Cánh bay của niềm kiêu hãnh" đăng trên tạp chí "Văn hóa Quân sự".
Cảm phục những hành động anh hùng trên bao nhiêu, tôi càng thấy khó hiểu về cách ứng xử của những phi công "làm reo" bấy nhiêu! Vẫn biết, trong thời buổi kinh tế thị trường, những lao động bậc cao, phải được đãi ngộ đặc biệt; tôi không dám lạm bàn điều này mà dành cho các nhà vạch định chính sách, lương bổng; nhưng khi đã so sánh lương phi công ta với phi công nước ngoài nên chăng cũng nghĩ đến khoảng cách giữa thu nhập bình quân giữa người dân Việt Nam với người dân các nước đó. Và thử hỏi trong số những phi công đang so bì lương nhiều hay ít để rồi bay hay không bay, có được mấy vị bỏ tiền túi ra tự đi học thành phi công như người ta? Hay đa phần được tuyển dụng rồi Nhà nước to hay "nhà nước bé" bỏ tiền ra đào tạo, để đến khi đủ lông, đủ cánh rồi tự cho mình được quyền "kén cá, chọn canh", không vừa ý thì tìm cách đào tẩu?
Ông bà ta xưa có dạy "Có cô thì chợ cũng đông"... Đất nước mình với hơn chín chục triệu dân, trước đây có cả một thế hệ phi công anh hùng và nay cũng vậy; nói là khó, nhưng chả lẽ khó đến mức như lá mùa đông...? Mỗi khi người ta đặt các mối quan hệ xoay quanh đồng tiền, thì các nhà làm chính sách cũng phải tính. Ví như anh thợ đá bóng, nếu được một đội bóng nào đó nuôi dưỡng đào tạo thành tài, khi thấy đội khác trả lương cao hơn ve vãn, bèn tìm cách đào tẩu, cũng chẳng mấy ai giữ chân làm gì; có điều khi đi phải hoàn trả phí đào tạo, phải chịu ràng buộc của những định chế khác...
Vẫn biết chiến tranh và hòa bình xây dựng, nhất là thời buổi kinh tế thị trường có những "chuẩn" về đạo đức hành vi, về văn hóa ứng xử khác nhau, nhưng lẽ nào giờ đây tất cả chỉ quy về trong quan hệ đồng tiền lạnh lùng đáng sợ? Lẽ nào đồng tiền là tất cả? Điều này chỉ có những phi công "làm reo" của Vietnam Airlines mới lý giải nổi!
Nói là vậy, nhưng trong thời hội nhập ngày càng sâu rộng, khi mà chúng ta đang hướng tới một "bầu trời mở", thì cũng không thể đóng kín buồng lái máy bay lại chỉ để nói với nhau chuyện truyền thống. Và xây dựng một thị trường lao động hàng không đúng nghĩa thời hội nhập chắc chắn là trách nhiệm của Ngành Hàng không, Ngành Giao thông vận tải!
DT