“Vô lý”, “tối kiến”, “không chấp nhận được”, “thật quá thể”… là những nhận xét của dư luận khi nói về đề xuất “tất cả những người mất giấy phép lái xe phải thi lại” của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 6-3-2019.

Có người muốn bảo vệ ông Thể cho rằng, làm nghiêm như vậy để hạn chế những người lạm dụng, muốn xin cấp thêm giấy phép lái xe để sử dụng vào mục đích khác. Nếu đúng như vậy thì càng quá thể. Nhiều người đã khôi hài đặt ra những giả thiết tương tự như: Mất giấy đăng ký kết hôn - cưới lại; mất bằng tốt nghiệp đại học - học lại; mất giấy khai sinh - đẻ lại… để thấy rằng, ông Bộ trưởng đã đưa ra một giải pháp nực cười.

Lục lại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì người bị mất giấy phép lái xe được cấp lại trong các trường hợp sau: “Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, còn hồ sơ gốc, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép lái xe”.

Thông tư 12 cũng quy định rất rõ về việc mất Giấy phép lái xe, số lần mất Giấy phép lái xe, điều kiện và thủ tục cấp Giấy phép lái xe.

Theo đó người mất chỉ phải thi lái phần sát hạch lý thuyết khi giấy tờ quá hạn, không còn hồ sơ gốc, lái xe có vi phạm. Người mất Giấy phép lái xe phải thi sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại Giấy phép lái xe khi: “Trường hợp quá thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên, còn hồ sơ gốc hoặc không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe”.

Người có giấy phép lái xe bị mất lần thứ 2 trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.

Đối với trường hợp mất giấy phép lái xe lần thứ 3 thì người có giấy phép lái xe bị mất từ lần thứ 3 trở lên trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp lại cho giấy phép lái xe bị mất lần thứ 2, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.

Như vậy, theo Thông tư 12, đã có lộ trình rõ ràng cho việc cấp lại Giấy phép lại xe, nếu mất giấy phép lái xe lần thứ nhất sẽ được cấp lại giấy phép lái xe, tuy nhiên kể từ lần mất thứ hai nếu thời gian mất thuộc khoảng 2 năm kể từ ngày được cấp lại Giấy phép lái xe bị mất lần thứ nhất thì không được cấp lại mà phải thi sát hạch lý thuyết để cấp lại giấy phép xe. Đối với trường hợp mất Giấy phép lái xe lần thứ ba trở đi thì phải thi sát hạch lại cả lý thuyết lẫn thực hành để được cấp lại giấy phép lái xe.

Đề xuất phương án mới của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Tất cả những người mất Giấy phép lái xe là phải thi lại” rõ ràng vì một nhu cầu nhỏ của cơ quan quản lý nhà nước mà làm phiền nhiễu đến đông đảo đối tượng quản lý là người dân”.

Sự việc này cũng làm người ta nhớ lại chuyện cách đây chưa đầy một năm, dư luận sôi sục, bức xúc bởi trò “đánh tráo khái niệm” khi các Trạm thu phí BOT bỗng nhiên đổi tên thành “Trạm thu giá” tối nghĩa và ngô nghê. Khi đó, ông Thể cũng “hồn nhiên” trả lời báo chí là “Cho đúng với Nghị định của Chính phủ quy định”. Chỉ khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chính thức lên tiếng thì ông Thể mới nhận sai và trả lại tên “Trạm thu phí”.

Lần này, có vẻ như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đang “chờ chỉ đạo” mới đính chính ý kiến của mình? Dư luận rất bức xúc nhưng chưa thấy Bộ trưởng lên tiếng.

Và nghe đồ còn cho là công luận hiểu chưa đúng ý ông! Xin thưa Bộ trưởng Thể - sao lại thế?

Nguyễn Hồng