Tổng thống Mỹ - Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio tại Trại David, bang Maryland, ngày 18-8.
Tổng thống Mỹ - Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio đã có cuộc họp thượng đỉnh có ý nghĩa lịch sử vào cuối tuần qua ở tại Trại David, bang Maryland. Trả lời truyền thông trước sự kiện này, ông Biden trấn an dư luận rằng cuộc họp không phải để bàn về Trung Quốc. Thế nhưng, những thông tin được báo chí đăng tải sau đó, nhất là trong tuyên bố chung có tên “Tinh thần Trại David” thì các nội dung hợp tác ba bên hay quan điểm của ba bên đều nhắm vào đối thủ cạnh tranh toàn diện số một hiện nay của Mỹ, là Trung Quốc.
Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 tới nay, Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ - Nhật Bản bền chặt. Quân Mỹ đồn trú tại hai quốc gia này lớn nhất so với quân số Mỹ đồn trú ở các căn cứ ngoài lãnh thổ Mỹ trên toàn cầu. Thế nhưng, một liên minh ba bên toàn diện hơn mới là điều Washington mong muốn bấy lâu nhưng chưa thực hiện được. Một liên minh Mỹ - Nhật - Hàn sẽ củng cố hơn nữa quyền bá chủ của Mỹ ở Đông Á nhưng những vấn đề sâu xa như tranh cãi về “phụ nữ mua vui” và tranh chấp lãnh thổ, đã khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên căng thẳng. Trong khi Mỹ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một “thách thức chiến lược”, Nhật Bản và Hàn Quốc có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc.
Nhìn lại từ khi ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng, Washington coi mối quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn là một yếu tố then chốt trong “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của mình. Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do chính quyền Biden xây dựng, xác định việc củng cố mối quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn là một trong 10 kế hoạch của nước này. Trong những năm gần đây, ba nước đã tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh ba bên, làm sâu sắc thêm tham vấn ba bên với sự tham gia của các quan chức cấp cao về ngoại giao, an ninh quốc gia, quân sự và tình báo. Cụ thể, chính quyền Biden đã tăng cường nỗ lực lôi kéo chính quyền Yoon Suk Yeol ở Hàn Quốc bằng cách nâng quan hệ Mỹ - Hàn lên thành “liên minh chiến lược toàn cầu” và khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc hòa giải căng thẳng. Xem ra Washington đã thành công khi Seoul và Tokyo đã thiện chí nỗ lực xử lý những di sản do chiến tranh để lại và làm ấm lại mối quan hệ vốn nguội lạnh bấy lâu.
Khi tuyên bố “Tinh thần Trại David” được đưa ra, thì căng thẳng trước hết sẽ diễn ra ở Đông Á. Với quan hệ tay ba Mỹ -Nhật - Hàn được thể chế hóa, Washington sẽ có thể nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt trong các hành động của mình cùng các đồng minh kiềm chế Bắc Kinh cả về quân sự và kinh tế. Mỹ có thể ưu tiên chia sẻ thông tin tình báo quân sự ba bên và tích hợp Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai ở Hàn Quốc với Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (BMD) trên biển và hệ thống Patriot trên đất liền ở Nhật Bản, tạo ra một Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực do Mỹ lãnh đạo. Điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng lợi ích an ninh của Trung Quốc và các nước khác, dẫn đến một câu hỏi hóc búa về an ninh trong khu vực.
Hơn nữa, Washington, Tokyo và Seoul đã và đang tăng cường trao đổi thông tin về vấn đề an ninh kinh tế, ám chỉ nỗ lực phối hợp nhằm tách rời khỏi Bắc Kinh. Định hình lại chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng, là một trong những mục tiêu chiến lược của Mỹ. Mỹ tìm cách sử dụng các cơ chế phối hợp chính sách kinh tế và an ninh trong khuôn khổ Mỹ - Nhật - Hàn và tận dụng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng châu Á - Thái Bình Dương và làm xói mòn quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ.
Trại David đã từng là nơi các tổng thống Mỹ cùng các nguyên thủ nước ngoài gặp gỡ để giải quyết, hòa giải những xung đột lớn trên thế giới. Thế nhưng, chẳng phải vô tình hay hữu ý khi Trại David vốn là một cơ sở Hải quân của Mỹ và cuộc gặp ba bên lần này cũng nói nhiều tới an ninh hàng hải. Reuters đưa tin: “Mỹ đã thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng ngôn từ mạnh mẽ nhất trong một tuyên bố chung để lên án “các hành động nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông”. Tuyên bố chung “cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương”, “kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo”, “việc huy động các tàu cảnh sát biển và dân quân biển vào các hoạt động gây nguy hiểm”, cũng như “các yêu sách hàng hải phi pháp” của Trung Quốc.
Củng cố liên minh, tăng cường hợp tác luôn mang ý nghĩa tích cực. Tuy vậy, sẽ đáng quan ngại nếu liên minh như Mỹ - Nhật - Hàn lại thiếu đi sự minh bạch hay tính đối thoại với Triều Tiên, Trung Quốc hay các nước trong khu vực. Khi ông chủ Nhà Trắng nói vậy mà không phải vậy thì e rằng còn nhiều bất ngờ sẽ xảy ra.
Thanh Huyền