Stein Tonnesson - người Na Uy, là tác giả cuốn sách “Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và de Gaulle trong một thế giới chiến tranh” xuất bản năm 1991.

Trong cuốn sách này, với góc nhìn thiên lệch, tác giả cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là một sự “ăn may” của Việt Minh, nhờ “khoảng trống quyền lực”(!).

Stein Tonnesson phân tích cái gọi là “khoảng trống quyền lực”: “...Là sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng minh; sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của họ...” và “Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã “mời” Việt Minh giành chính quyền”.

Sự thật đương nhiên không phải như cái nhìn “xa lắc” của người viết. Trên thực tế, phát xít Nhật tại Việt Nam lúc đó có đến 90.000 người và được trang bị đầy đủ khí giới, với nhiệm vụ “duy trì trật tự trước khi bị giải giáp”, nên trong thực tế cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước tháng 8-1945 đã vấp phải sự kháng cự rất quyết liệt của Nhật.

Ngày 17-8-1945, ở tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam Giải phóng quân tiến công doanh trại quân Nhật. Trước sức tiến công mãnh liệt của Việt Nam Giải phóng quân và sức uy hiếp mạnh mẽ của nhân dân khởi nghĩa, quân Nhật phải xin đàm phán, nhưng khi được tin có một cánh quân của chúng đang từ Hà Giang kéo về gần tới nơi, quân Nhật lại trở mặt...

Các chiến sĩ Việt Nam Giải phóng quân và tự vệ Thành Hà Nội lập tức tiến công, mở nhiều đợt đánh mạnh. Đồng thời, ngày 20-8-1945, một đơn vị do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy bao vây, tấn công vào các vị trí do quân Nhật chiếm giữ ở thị xã Thái Nguyên. Bị đánh nhiều phía, quân Nhật buộc phải chấp nhận các điều kiện do ta đưa ra chúng mới được rút quân an toàn về Hà Nội - nâng tổng số lính Nhật đồn trú tại Hà Nội lên 10.000 quân; đồng thời lại bị nhân dân Hà Nội dưới sự chỉ huy của Mặt trận Việt Minh vây ráp, khiến Bộ chỉ huy quân đội Nhật phải điều xe tăng, cùng hàng trăm lính đến giải vây những vẫn không thành...

Cuộc thương thảo giữa hai bên diễn ra, Mặt trận Việt Minh yêu cầu, nếu quân Nhật không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa sẽ được nhận lượng khoan hồng ở yên ổn trong đồn chờ ngày về nước. Quân Nhật đồng ý và công nhận Việt Minh là đại diện của Việt Nam. Việc này, được xác nhận bởi bức điện của Đại sứ Nhật gửi về Tokyo: “Chiều ngày 19, Đại sứ đã “được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh đạo Etsumei (Việt Minh) và đã tham gia bàn bạc với những người đó, được coi như là các nhà chức trách chính thức”.

Tuy nhiên, Nhật không từ bỏ âm mưu thế chân Pháp cai trị Việt Nam. Chính quyền Tokyo bàn với Bảo Đại và Trần Trọng Kim: “Mặc dù nước Nhật đã đầu hàng, nhưng quân đội Nhật tại đây vẫn có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho tới khi quân đội Đồng minh đến tiếp thu. Xin ngài hãy làm văn thư yêu cầu để chúng tôi tái lập trật tự”[1].  

Lúc này quân Nhật ở Huế có tới hơn 4.500 quân, với trang bị vũ khí hiện đại, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Việt Minh đã lôi kéo được các nhân sĩ yêu nước của “Hội Tân Việt Nam” (một tổ chức thân Nhật), lực lượng thanh niên Phan Anh, lính khố vàng, lính bảo an cùng hàng chục vạn nhân dân tổ chức tổng khởi nghĩa. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, Bảo Đại phải chấp nhận thoái vị, giải tán nội các Trần Trọng Kim.

Ngày 23-8-1945, chính quyền ở Huế đã về tay nhân dân, nhưng Chính phủ thân Nhật do Trần Trọng Kim đứng đầu, về danh nghĩa vẫn tồn tại. Ngày 18-8-1945, ở Hà Nội, với tư cách đại diện Chính phủ Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn âm mưu, nói với đại biểu của Việt Minh: “Các ông cứ nắm tất cả các vùng nông thôn, nhưng nên để Chính phủ (Chính phủ Trần Trọng Kim) tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh…”; thậm chí Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim còn có ý định lôi kéo Việt Minh gia nhập vào chính phủ của chúng và ngừng các hoạt động chống Nhật, nhưng đã bị phía Việt Minh bác bỏ...

Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, ồ ạt tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu (đông bắc Trung Quốc). Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng, Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) kết thúc. Chớp thời cơ, Đảng ta với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật đổ sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thắng lợi là do sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng, trên cơ sở đó đã chủ động đón và nắm thời cơ chính xác của Đảng ta, chứ không phải “nhờ khoảng trống quyền lực”.  

Nguyễn Văn Toàn


[1]Trần Trọng Kim, “Một cơn gió bụi”, Nxb. Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, tr. 93-94