Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Căn cước công dân.

Dự án Luật Căn cước được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ýkiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).

Dự án Luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án số 06 Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

3. Về quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân.

4. Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻthành số định danh cá nhân, dòng chữ “căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

5. Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

6. Về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.

7. Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước; việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác; qua đó, giúp giảmgiấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

8. Về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo Luật quy định mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử; căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

9. Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp về việc sử dụng thẻ căn cước công dân đã được cấp; giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân để không làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến người dân khi Luật Căn cước được thông qua, có hiệu lực thi hành.

Dự án Luật Căn cước đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 (tháng 8-2023) và Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị Đại biểu chuyên trách để cho ý kiến về dự án Luật, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản. Qua tổng hợp, về cơ bản đa số các ý kiến tham gia đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, cũng như nội dung của dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban QPAN, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật. Bộ Công an cũng thống nhất với Ủy ban QPAN của Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo Luật đối với 9 nhóm vấn đề gồm: (1) Về giải thích từ ngữ; (2) Về quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; (3) Về các hành vi bị nghiêm cấm; (4) Về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (5) Về thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (6) Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước; (7) Về quy định liên quan đến thẻ căn cước; (8) Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước; (9) Về căn cước điện tử.

Còn có một số ý kiến khác về 5 nội dung của dự thảo Luật đã được Bộ Công an thống nhất với Ủy ban QPAN của Quốc hội báo cáo Ủy ban TVQH giải trình với Quốc hội; cụ thể như sau: Một là, về tên gọi của Luật Căn cước (lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật). Hai là, về tên gọi của thẻ căn cước (thay cho thẻ “căn cước công dân” như hiện nay). Ba là, về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bốn là, về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và căn cước điện tử. Năm là, về quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Việc nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Căn cước vẫn còn tiếp tục từ nay cho đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hộiKhóa XV. Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện tuyên truyền, cung cấp thông tin, giải thích tới quần chúng nhân dân để hiểu rõ về nội dung của dự thảo Luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội cho đến khi Dự án Luật Căn cước được Quốc hội đồng ý thông qua.

Thanh Hoài