CCB Hoàng Thị Nguyệt, ở thôn Đặng Cầu, xã Trung Nghĩa, T.P Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên với trang trại trồng cây cảnh và cây ăn trái, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Thời gian gần đây, vấn đề nới độ tuổi học nghề cho lao động nông thôn được đặt ra, hướng tới một chính sách hỗ trợ NCT (NCT) ở khu vực nông thôn tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu, giảm sức ép lên hệ thống cơ chế, chính sách dành cho NCT và ứng phó với xu hướng già hóa dân số của Việt Nam.

UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp quốc nhận định: Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".

Theo luật của Việt Nam, những người từ 60 tuổi trở lên được đặt trong nhóm NCT. Dự báo trong 10 năm nữa, NCT ở nước ta sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%.

Hiện nay, có khoảng hơn 65% NCT sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hơn 70% NCT không có tích lũy vật chất. Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%).

Nếu không có lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội cho NCT phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của NCT, thì xã hội Việt Nam chịu hệ lụy của già hóa dân số khi chưa đồng bộ, chuẩn bị đầy đủ phương án như Trung Quốc, Nhật Bản...

Theo Quyết định số 971/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, độ tuổi lao động đủ điều kiện học nghề là từ 15-60 đối với nam và từ 15-55 đối với nữ. Đến nay, quy định này chưa được thay đổi.

Trong khi đó, người lao động trong độ tuổi đã thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Trên thực tế, nhờ chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, những người ngoài độ tuổi lao động sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ được cải thiện, rất nhiều NCT có nhu cầu được làm việc, không chỉ giúp gia đình, bản thân cải thiện thu nhập, mà còn có môi trường vận động thể chất và tinh thần, tăng cường sức khỏe.

Với tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, nhiều NCT tiếp tục phát huy khả năng, trí tuệ, kinh nghiệm, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Cả nước hiện có gần 400.000 NCT làm kinh tế giỏi, 130.000 NCT làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, có nhiều điển hình là hội viên Hội CCB Việt Nam khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 60.

Như CCB Lê Văn Trong, sinh năm 1955, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Sau thời gian có thu nhập ổn định từ nghề đan lục bình, năm 2011, ông Trong xin chính quyền địa phương ra khỏi diện hộ nghèo. Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, ở tuổi 58, ông Trong thành lập Tổ hợp tác Chí Công, chuyên mua bán sản phẩm và cung cấp khuôn đan lục bình. Hiện nay, Tổ hợp tác đang tạo việc làm cho hơn 400 lao động trong và ngoài huyện Long Mỹ. Trung bình mỗi tháng Tổ hợp tác tiêu thụ hơn 20 tấn lục bình khô, thu gần 1 tỷ đồng.

Còn CCB Phan Công Thi, sinh năm 1954, ở thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là thương binh hạng 4/4 với mức thương tật 41%. Cũng như bao người lính từ chiến trường trở về, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn. Khai hoang lập nghiệp trên vùng đồi núi khô cằn. Làm ăn có lúc thua lỗ, bao nhiêu tiền của, mồ hôi đổ vào trang trại, nhiều lúc ông định bỏ cuộc nhưng nghĩ tới những kỳ vọng ngày khởi nghiệp, những gian khó mình nếm trải, ông lại tiếp tục tay trắng làm lại. Đến nay, vùng đồi cằn cỗi ngày nào đã được phủ xanh bằng 30ha rừng, vườn ao chuồng (21ha trồng keo). Với diện tích keo cứ sau 4-5 năm thu hoạch, bán luân phiên mỗi lứa, ông Thi thu vài trăm triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐTXH - Đào Ngọc Dung cho rằng: “Tạo việc làm cho NCT dựa trên sự phù hợp với sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của NCT là điều cần thiết. Các nước phát triển như Nhật Bản, Đức còn có chương trình “Khởi nghiệp cho NCT”, dựa theo nhu cầu, sức khỏe và năng lực của họ. Việt Nam cũng có thể nghiên cứu kiến nghị Chính phủ để dành một nghề phù hợp cho NCT làm việc”.

Hồ Thanh Hương