Sau khi thắp hương cho cháu, thăm hỏi gia đình, anh Phạm Văn Thuận, Chủ tịch xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh kéo tôi ra cổng, chỉ xuống thửa ruộng bên kia đường lúa đang ở thời kỳ bén rễ, xanh mởn rồi nói: Đây, cháu Hoàng chết ở chỗ này đây. Gia đình anh Đinh Văn Thống, 44 tuổi, vợ là Nguyễn Thị Hoa, 37 tuổi, có 2 người con (1 gái, 1 trai), là hộ nghèo của xã. Mấy năm trước các đoàn thể đã giúp đỡ anh chị cải tạo cái ruộng trũng này để sản xuất theo mô hình một lúa, một cá. Hôm ấy là ngày 8-9-2009, anh Thống dùng mai đào đất cho con trai Đinh Văn Hoàng bốc lên be bờ. Không may gặp phải quả bom bi, nó nổ ngay trước mặt. Cháu Hoàng được mọi người đưa về tới cổng thì tắt thở. Khổ một nỗi là cháu chưa kịp vào nhà để chết, mà mới có 15 tuổi đầu, đang học lớp 9 anh ạ. Còn anh Thống sau 2 tháng điều trị mới bình phục, nay cánh tay trái không co duỗi được, hưởng bảo trợ xã hội mỗi tháng 180.000 đồng.

Xã Đức Lâm có diện tích 615 ha, là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ trong chiến tranh nên bị ô nhiễm bom mìn rất nặng. Từ năm 2010, Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (BTL Công binh) đã rà phá được 13 quả bom lớn (ngay thửa ruộng nhà anh Thống cũng tìm thêm được 6 quả bom bi nữa), làm sạch được 380 ha, xã đưa vào xây dựng trạm xá, trường học, trường mầm non, trụ sở và giao cho nhân dân làm nhà ở và sản xuất. Giọng Chủ tịch Phạm Văn Thuận bỗng lắng xuống: Đau một nỗi là bom mìn nhiều như thế nhưng từ năm 1975 đến nay chỉ xảy ra một cái chết của cháu Hoàng. Nó đã che chắn những mảnh thép và viên bi để chết thay bố nó. Đây cũng là nỗi đau của cả chính quyền và nhân dân trong xã; ai cũng rất thương cảm và sẻ chia cùng vợ chồng anh Thống.

Bài và ảnh: An Hà