Cách Hà Nội hơn 20km, ngoài ngôi chùa cổ kính không mấy ai nhớ tuổi, quần thể di tích này bao gồm chùa Vô Vi (tục truyền, một vị tướng thời nhà Đinh đã về ở ẩn tại đây) và chùa Trăm Gian do "Thánh sống" Nguyễn Văn Thành (Quốc Oai, Hà Tây) dựng lên. Các cụ cao tuổi trong làng kể lại rằng khi làm ngôi chùa này, vì thiếu tương cho thợ nên Nguyễn Văn Thành đã bước ba bước từ đây xuống nhà cậu mình ở Bối Khê xin tương. Hai trong số ba dấu chân "không ai ướm vừa" ấy hiện vẫn được lưu giữ ở làng Sở Đồng. Con sông Đào hiền hòa uốn mình chảy quanh dãy núi Trầm hùng vĩ không còn trẻ trung nữa. Được "sinh ra" từ thời vua Lê, nay chùa Trầm đã gần 400 tuổi. Cũng tại mảnh đất linh thiêng này, người ta tìm thấy nhiều di chỉ thời Lê, những lăng, hầm mộ, xác ướp, đồ vật đặc biệt có giá trị về văn hóa, lịch sử.

"Điều đặc biệt nhất của chùa Trầm là được Bác Hồ ba lần về thăm" - ông Nguyễn Xuân Việt - người bán vé vào tham quan ở chùa Trần không giấu nổi tự hào nói như thế. Ông kể rằng: Lần thứ nhất vào năm 1946, Đài Tiếng nói Việt Nam rời Hà Nội về đây chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chính tại động Long Thiên, Bác Hồ đã đọc Lời hiệu triệu kêu gọi toàn quốc kháng chiến. "Lứa chúng tôi đến giờ vẫn vô cùng xúc động khi nhớ tới cảnh Bác phải ăn cơm nắm muối vừng…". Năm 1958, Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Vũ Kỳ về thăm lại chùa Trầm. Đứng trên Tam Bảo, Bác đọc bài phú của Hoàng Ngọc Phu ý là: Ở Hà Nội thì mệt mỏi vì sự ồn ào, nông thôn vắng lặng quá cũng buồn. Đến chùa Trầm, động Long Thiên có sông núi, hang động kỳ thú thật thú vị.

Tám năm sau, nhân dân Long Châu vui mừng đón Bác trở lại. "Có con đường Quyết Thắng kia là nhờ Bác đấy!" - Ông Việt khoát tay chỉ ra phía Long Trì. "Hồi đó thấy dân phải gánh phân, gánh lúa lội qua sông Đào rất vất vả, Bác mới hỏi đồng chí Phùng Thế Tài là trước đây dân đi lối nào? Đồng chí Phùng Thế Tài thưa: "Con đường chạy ngang chùa Trầm nhưng ngăn lại để phục vụ kháng chiến". Nghe vậy, Bác bảo: "Lấy đường của dân thì phải làm đường khác cho dân chứ". Sau khi Bác đi, chỉ trong một tuần, con đường Quyết Thắng chạy vòng qua hồ Lịnh Trạch trước cửa chùa đã được hoàn thành.

Khi tôi đang loay hoay "dịch" dòng chữ trên tấm bia ngay cửa động Long Thiên lưu tích ngày Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán về đây, một cậu bé đen nhẻm lân la lại gần. "Nó bị mẻ mất một góc lại mờ nên hơi khó đọc. Để em". Chưa kịp ngẩng đầu lên tôi đã thấy cậu thao thao: Địa điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam rời Hà Nội tiếp tục công tác phát thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 20-12-1946 đến 4-3-1947. Cậu giới thiệu tên Bình, lọt thỏm trong bộ quần đùi áo phông màu đen, "Để em dẫn anh chị đi thăm chùa nhé". "Dẫn khách mấy năm rồi?". "Dạ 4 năm".

Theo chân cậu hướng dẫn viên xóm vào động Long Thiên, nơi ghi dấu hình bóng Bác, cũng là nơi đã diễn ra những giờ phút trọng đại của dân tộc. Tiếng người nhao nhao mời mua hương, mời thuê đèn pin xa dần. Không gian trong động ẩm ướt, đất dưới chân trơn tuột…

Năm 2003, Hà Nội vừa phê duyệt một dự án du lịch sinh thái rộng 42ha tại khu di tích lịch sử chùa Trầm với tổng số vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. Trước mắt, tập trung cải tạo hạ tầng cơ sở. Sau đó sẽ kêu gọi đầu tư. Bể bơi, nhà nghỉ cuối tuần, khu ẩm thực… và hàng trăm dịch vụ khác rồi sẽ mọc lên để chùa Trầm, núi Trầm thực sự trở thành một điểm du lịch lịch sử và sinh thái của Hà Nội.

Lê Hồng Bảo Uyên