Năm 1990, sau 3 năm phục vụ trong quân ngũ (1985-1988), anh Dương Văn Phúc cùng gia đình rời quê hương Yên Dũng, Bắc Giang, lên xây dựng kinh tế mới ở khu Ngọc Sơn 1, xã Sơn Hùng (Thanh Sơn, Phú Thọ). Mới đầu, anh Phúc phải làm đủ mọi việc từ khai hoang cấy lúa nước, trồng khoai, sắn, đến đóng gạch nung… nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó, thiếu thốn. Anh Phúc bàn với vợ tìm hướng chuyển đổi cách làm ăn, tận dụng khai thác những khu đất đồi, rừng còn trống để mở rộng diện tích trồng chè, sơn và cây lâm nghiệp, đặc biệt, đối với cây sơn là loại cây được trồng ở vùng đất này từ lâu, nhưng nhiều năm nay bị phá bỏ để trồng các loại cây khác.
Năm 2005, gia đình anh Phúc trồng 1.400 gốc sơn, năm 2010-2011 trồng thêm 800 gốc sơn nữa. Từ năm 2007 đến nay, với lứa sơn đầu, mỗi ngày gia đình anh Phúc cắt được 2,5-3kg nhựa, giá bán trên 100.000đồng/kg, thu nhập từ 250.000 đồng - 300.000 đồng/ngày. Anh Phúc cho biết: “Làm sơn không vất vả lắm, đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế cao. Việc cắt nhựa sơn tập trung từ mờ sáng đến nửa buổi, thời gian còn lại làm được nhiều công việc khác”.
Bên cạnh hai lao động chính là vợ chồng, hai cô con gái ngoài giờ cũng phụ giúp bố mẹ thu hoạch sơn và các công việc gia đình. Ngoài cây sơn, gia đình anh Phúc còn có 4.000m2 chè và 1 ha đồi rừng (chủ yếu trồng cây keo). Tính ra mỗi năm, gia đình anh tổng thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Riêng cây sơn thu nhập được 70-80 triệu đồng.
Nhờ cần cù, chịu khó và làm ăn có kế hoạch, gia đình anh Phúc đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ và còn có tích luỹ, cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Bài và ảnh: HẢI THỌ